Giải Trí Phim Điện Ảnh Đài Loan Taiwan

PHIM DEAR EX VÀ CÂU CHUYỆN VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỘT LGBT

Tôi chưa bao giờ phản đối tình yêu đồng tính, bởi trong cuộc sống của mình tôi có rất nhiều những người bạn LGBT rất tốt và đồng thời có cống hiến không ít cho xã hội và quan trọng hơn hết họ sống rất thật với chính mình và trong các mối quan hệ xung quanh. Đó là những trường hợp của bạn mình, là những người sinh ra đã mang trong mình sự nhầm lẫn mà chính họ cũng không biết vì sao và từ đâu mà nó đến.

Cuối tuần rồi xem bộ phim Dear Ex, tôi cầm lòng không được viết bài này. Cả bộ phim điện ảnh không dài, không nặng nề, không nhiều nước mắt nhưng mỗi một đoạn hội thoại đều làm tôi cứ suy nghĩ mãi. Nghĩ về những người bạn, những người không phải bạn trong cộng đồng LGBT.

Chẳng phải tự nhiên mà một bộ phim Gay lại ôm nhiều giải thưởng đến thế. Sự nhẹ nhàng của nó ở đây không chỉ là nhịp phim mà còn là sự giáo dục ngấm ngầm truyền vào mạch máu người xem.

Đối với tình yêu đồng tính của anh đạo diễn trẻ và anh giáo sư, tôi “ cảm “ được nhưng không thể “ thông”. Cái “ thông mà tôi nói ở đây là thông cảm và thấu hiểu. Gay điển hình như anh đạo diễn trẻ thì tôi thấy rất nhiều, đó là những người luôn muốn sống thật với chính mình, luôn rõ ràng bản thân mình cần cái gì, tìm kiếm thứ gì. Nhưng ảnh lại chọn đi cùng một nửa không đủ dũng cảm được như ảnh. Anh bạn giáo sư nhà mình là kiểu Gay tôi cũng từng nghe nhiều, nhưng thấy qua thì chỉ có một, là kiểu người dù biết mình đồng tính nhưng vẫn cố chống đối với bản thân đến cùng để làm thoã mãn cái nhìn của xã hội hoặc người thân đối với mình. Đây là điều làm tôi không thể “ thông” nổi.

Thực sự mà nói, đối với anh giáo sư, nếu ảnh không chấp nhận được người ta nhìn mình khác biệt, Ok fine, ảnh cứ sống vậy, giấu giếm suốt đời cũng được nhưng điều cốt yêu là ảnh đừng lập gia đình với một người phụ nữ, một người mà yêu anh ta bằng cả tấm chân tình, người mà anh ta biết chắc sẽ không thể nào yêu dù cho có vật đổi sao dời. Đây là cái tôi muốn nói đến nhất trong bộ phim này và là cái tôi thấy hay nhất, ý nghĩa nhất trong phim.

Tôi nhìn thấy sâu thăm thẳm tình yêu của anh đạo diễn trẻ nọ, tôi nhìn thấy một sự tuyệt vọng và chỉ sống với quá khứ trên khuôn mặt của một chàng thanh niên luôn tươi cười và trông có vẻ như tràn đầy nhiệt huyết, trông có vẻ như không sao cả.

Tôi nhìn thấy một anh giáo sư hèn nhát, không dám đối mặt với chính mình, ảo tưởng về một tương lai không có thật, sống quá bản năng để rồi đem đến một kết thúc gây tổn thương cho tất cả mọi người. Nói nhé, anh ấy yêu chàng đạo diễn từ sớm nhưng anh ta lựa chọn từ bỏ tình yêu đồng tính của mình để lấy vợ sinh con. Một ngày nọ anh không còn sống được bao lâu nữa, ảnh quyết định sống thật với giới tính, li dị vợ, quay lại với tình yêu thanh xuân của mình. Nói dễ nghe thì bảo là để anh sống thật, nói khó nghe thì ảnh quá ích kỉ. Ảnh tổn thương chàng đạo diễn, sống giả tạo với vợ con từng ấy năm rồi khi biết mình chỉ là một kẻ gần đất xa trời, ảnh trở về bên cạnh người sẽ làm tất cả để hy sinh cho anh ta. Vì sao ư? Theo tôi thấy vì ảnh cảm thấy nợ vợ con mình một lời xin lỗi và khi biết mình không còn sống được bao lâu nữa thì anh không muốn trở thành gánh nặng cho họ nữa. Khi quay về bên cạnh chàng trai chỉ sống bằng tình yêu, ảnh đổ hết gánh nặng vật chất, tinh thần lên người đàn ông trẻ và yếu đuối ấy.

Tôi không lên án tình yêu của hai người họ, họ yêu nhau thật, yêu nhau sâu, yêu nhau đẹp, nhưng tất cả đều bị một người trong cuộc không rõ bản thân mình muốn gì làm cho nhau dang dở. Có một hiện thực mà tôi thấy được là giáo dục con cái ở Đài Loan càng ngày càng đi xa với sự mĩ miều trong suy nghĩ của phụ huynh. Người ta hi vọng cho con những thứ tốt nhất nhưng quên rằng dạy cho con mình phải hiểu rõ bản thân mình muốn gì. Có rất nhiều đứa trẻ ở đây tôi từng tiếp xúc và hỏi câu hỏi: Sau này bạn muốn làm gì? Nhưng không mấy khi tôi nhận được lời trả lời dứt khoát là “ tôi muốn làm gì… hoặc tôi muốn trở thành người như thế nào trong tương lai”… Cứ như bọn trẻ đi học vì cha mẹ chúng muốn thế và sau khi tốt nghiệp phải làm gì cũng không phải trách nhiệm để chúng phải nghĩ cho nhọc đầu.

Anh giáo sư của chúng ta là một dạng như vậy, và theo tôi thấy mọi sự bất hạnh đều bắt nguồn từ sự không hiểu rõ bản thân mình muốn gì của anh ta.

Tôi không khóc cho đến đoạn thằng nhóc con đi điều trị tâm lý. Nó bảo nó ghét mẹ nó, vì bà ấy luôn khóc lóc, than khổ, hơn nữa là thực sự sống trong đau khổ. Bọn trẻ chúng hiểu hết, chỉ là không thể biểu đạt một cách đúng nhất. Khi bác sĩ tâm lý hỏi câu bé” cậu có chắc là mình ghét mẹ không, hay đó là cảm giác lực bất tòng tâm” . Cậu bé ra về với sự vỡ lẽ “ thì ra đó là cảm giác lực bất tòng tâm”… Coi đến đoạn này cảm xúc tôi mới vỡ oà. Hai mẹ con là điểm nhấn mà tôi chú ý nhất phim. Những đoạn chửi mắng con, cãi vã giữa hai mẹ con hằng ngày như một câu chuyện không lối thoát. Còn vì sao ư? Vì sự ích kỉ và mông lung của một người…

Cảnh người mẹ đứng trước cửa nhà hai anh chàng yêu nhau chửi bới và khóc lóc bảo rằng “ các người làm gì thì làm nhưng phải để cho thằng bé được trưởng thành bình thường, tuyệt đối không được để cho nó biết sự thật” … Một đoạn kí ức cực ngắn của người mẹ làm hai chị em tôi kéo 6 miếng khăn giấy. Thảo nào mà chị ấy ẵm giải. Diễn quá xuất sắc. Người ta bảo phụ nữ có sức chịu đựng mãnh mẽ hơn đàn ông, tôi đồng ý với cách nói này khi ứng trên một người phụ nữ đã có con. Họ làm tất cả, vượt qua được tất cả vì một đứa con. Nhưng bạn hỏi họ có bị tổn thương không, có chứ. Nhiều và sâu nữa là đằng khác, nhưng họ đem kí ức cất trong hộp được vì họ có trách nhiệm. Trách nhiệm với con cái, trách nhiệm với cuộc sống mà mình đã lựa chọn.

Chỉ một đoạn nhỏ chị vợ vỡ oà trước bác sĩ tâm lý, không nhiều cảm xúc, không nhiều nước mắt, thậm chí còn có phần thô lỗ và cứng nhắc, và tôi nghĩ đó là cách hình thành một người phụ nữ không thật sự được chồng yêu thương. Những năm tháng anh giáo sư đóng vai người chồng hoàn mỹ cỡ nào thì sự tổn thương và biến số đến với người phụ nữ ấy càng lớn từng ấy.

Anh ta đi rồi, nghĩ rằng để lại nhà, để lại xe, để lại sổ tiết kiệm và không liên lụy người thân vì bệnh tình của mình thì là đủ. Nhưng anh ta nào có thấy những ngày tháng hai mẹ con họ vật vã trong những cuộc cãi vã, những biến đổi trong cảm xúc và tâm lý đang dần hủy hoại hai con người vốn dĩ là vô tội nhất trong chuyện này.

Giá mà ngày ấy anh ấy cứ yêu người đàn ông của mình. Giá mà anh ấy dù không dám công khai giới tính của mình thì cứ giấu riêng cho mình thôi chứ đừng chạy chốn nó bằng việc bám víu vào ai đó. Phép thử này quá bất hạnh. Và người tổn thương không phải chỉ một mình anh ta.

Suy nghĩ tôi rất đơn giản thế này thôi, thời buổi này ai cũng quyền lựa chọn cuộc sống mà mình muốn nhưng phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Nếu tôi là người đồng tính nhưng không dám sống thật với xã hội thì vẫn còn một lựa chọn là sống độc thân suốt đời, hoặc quan hệ giấu diếm suốt kiếp. Có sao đâu mà, miễn là cuộc sống đó mình hạnh phúc và đối tác mà mình lựa chọn chấp nhận được chuyện đó. Hà cớ chi mà lấy vợ, lấy người mà suốt đời mình cũng không yêu và biết chắc sẽ làm tổn thương họ, rồi có cả những đứa con trong những câu chuyện đó.

Bộ phim như là lên tiếng cho suy nghĩ của tôi về vấn đề tình yêu đồng tính vậy, đó là lí do tôi đã nghỉ viết cả hơn hai tháng vì bận công việc mà vẫn cắm đầu viết đến tê ngón tay trên bàn phím điện thoại.

Điều mong muốn nhất của con người, trong đó có LGBT, là được sống hạnh phúc và hơn nữa là làm những người yêu thương chúng ta cũng hạnh phúc thay vì làm họ tổn thương. Đó là tình yêu và cũng là trách nhiệm của một con người dù bạn là giới tính nào đi chăng nữa.

P/S: Để theo dõi/tìm kiếm tất cả các bài viết của Solise Tales, các bạn có thể tìm trên Fanpage để cập nhật bài viết mới nhất và tương tác cùng Solise Tales nhé .

#誰先愛上他#DearEx#AiYêuAnhẤyTrước#gócreview#Phimđiệnảnhđàiloan#netflixđàiloan#soliseblog#solisetales #solisetales.com#phimĐàiLoan

Bình luận về bài viết này