Đài Loan, 2019/11/28
Tôi không phải tín đồ thiên chúa giáo, cũng chưa từng sống ở các nước có truyền thống đón Lễ Tạ Ơn, tôi chỉ bắt đầu chú ý đến nó khi đã thân thiết hơn với một người bạn. Tôi biết rằng dù cho cả thế giới hân hoan đón ngày Lễ này đi chăng nữa, thì duy nhất có người ấy sẽ rất buồn. Vì vậy tôi đã dự định thức trắng để bước qua khoảnh khắc đó cùng nhau, dù không có một tí kiến thức về nền văn hoá đó, cũng không biết nói gì cho đúng nhất, tôi nghĩ rất lâu và quyết định chỉ cần ở bên cạnh im lặng đã là cách tốt nhất tôi có thể làm. Chỉ tiếc là đến cuối cùng, dù tôi có làm gì hay không làm gì cũng là không phù hợp. Tôi lặng người đi sau tiếng bíp điện thoại, bỏ máy xuống tôi viết một lá thư tay, tôi muốn giữ trọn vẹn cảm xúc đó của mình cho đến mãi về sau.

Không gian tĩnh lặng trong âm nhạc của George Winston, nước mắt tôi rơi lả chả vì những giai điệu buồn man mác của bản Thanksgiving (December). Tôi thấy mình bất lực và vụng về, cảm giác như không thể nào chạm tới điều mình mong muốn nhất vào ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên, hơn nữa là không thể chạm vào con người đang trượt dài trên những tổn thương của quá khứ và cô đơn của hiện tại. Tôi bây giờ biết rõ mình chỉ là một người ngoài cuộc trong không gian đó. Tôi tự nhủ với mình, cái gì cũng cần có sự bắt đầu, rồi mọi thứ sẽ tốt hơn vào Lễ Tạ Ơn thứ hai.
Tôi viết blog vì muốn chạy khỏi cuộc sống buồn chán nơi xứ người và cũng là để xoa dịu những căng thẳng trong việc hoà nhập vào cuộc sống mới. Sau bao nhiêu tháng ngày chống chọi với cú sốc văn hoá, sự kì thị ngầm và trượt dốc trên con đường sự nghiệp do những rào cản ngôn ngữ, văn hoá mang đến, tôi bắt đầu ý thức được giá trị của việc làm thứ công việc mình yêu thích. Tôi quay lại viết lách sau hơn 12 năm từ bỏ nó, nhìn lại quãng đời trước đó của mình, tôi của hôm qua chỉ mãi mê việc kiếm tiền nhanh để trả hoá đơn, trả nợ ân tình và mục tiêu đi du học. Tôi của hôm nay viết hăng say, mở lòng chia sẻ tất cả những gì mình biết và học được từ nước mắt và áp lực, thậm chí đôi lúc nó chạm vào nơi rất riêng tư mà tôi đã từng không muốn cho ai biết đến. Tôi viết ra tất cả, viết cho mình và cho những du học sinh, người lao động đang và sẽ có nét tương đồng với mình. Bản thân tôi cũng từng chủ quan, nhầm lẫn, bất cần, kiêu căng, xa lánh và tự kỉ trong một thế giới mà mình cho là đã đủ, nhưng rồi tôi hiểu được tầm quan trọng của cộng đồng sau những va chạm sâu sắc với các nhóm người cùng và không cùng cá tính dân tộc, văn hoá với mình. Đó là động lực mới giúp tôi sống có ích và trở nên hiện hữu hơn giữa cuộc đời.
Ai đó đã từng nói với tôi, người nhiều cảm xúc (kiểu người dễ khóc, dễ xúc động như tôi đây) là người có nội tâm mạnh mẽ vì để vượt được qua những dày vò về mặt cảm xúc này thật sự là cần dũng khí và cố gắng nhiều hơn ai hết. Nghe có vẻ phản khoa học nhưng quả thật tôi thấy nó đúng với mình.
Là phụ nữ, ai cũng muốn mình được che chở và được “tâm lý”, tôi vẫn là kiểu phụ nữ Á Đông điển hình, suy nghĩ bảo thủ và yêu cầu rất nhiều về sự ý nhị và có duyên trong lời nói. Tôi dễ bị chúng làm tổn thương. Đó là lí do tại sao tôi sống khá vất vả ở Đài, đơn giản là vì họ rất biết cách dùng lời nói làm tổn thương người khác, rất nhẹ, vô tư nhưng rất thâm.
Đêm 28 tháng 11, 2019, tôi nằm đó lắng nghe chỉ một bản nhạc không lời, nó lặp đi lặp lại sau mỗi 4 phút cho đến 5 giờ sáng. Nó giống như cuộc đời tôi cứ mỗi lần tưởng như có bắt đầu mới thì lại vô tình nhìn thấy điểm kết thúc. Nhiều lần tôi ép mình phải suy nghĩ lạc quan và tập sống buông lơi, không cố chấp với đời, nhưng tôi từ bỏ suy nghĩ đó vì tôi biết mình vẫn cứ là mình thôi, có ráng như thế nào thì cũng không thể thay đổi được bản thân thì hà cớ gì cứ dồn nén mình mãi. Chợp mắt được vài tiếng tôi thức dậy đi làm. Trời chớm đông se lạnh, lần đầu tiên trong năm nay tôi mặc chiếc áo len mình yêu thích, trang điểm nhẹ để đón một ngày mới vui tươi hơn hôm qua.
Xe tôi chết máy do cả tuần không lái, tôi tin định luật Murphy, nên thôi tôi bình tĩnh quay về nhà lấy xe máy rồi chạy đến chỗ làm. Cái cảm xúc đêm qua vẫn vận vào tôi, chạy xe trên con đường vắng dưới cái lạnh sương sớm, mắt tôi đỏ hoe không biết vì gió lạnh hay vì nước mắt.
Đến xưởng cô em gái huyền thoại nhắn cho tôi cái tin. Có một bạn sinh viên cần tư vấn du học, mà hai chị em tôi thì học trường tư, cũng khá xa thành phố lớn nên kinh nghiệm cũng có hạn. Em tôi bảo cậu ấy lên nhóm đăng bài để có được nhiều chia sẻ đa chiều và phong phú hơn từ các anh chị học tập và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thế rồi bạn thanh niên trả lời rằng: “ hỏi chị cho tiện chứ đăng bài lên nhóm phải đợi phê duyệt, comments nhiều mệt lắm!” . Em gái tôi trả lời “ Vậy em tự tìm hiểu thêm đi, chứ mình chị sao biết hết được, em cần giúp đỡ thì cũng phải tôn trọng những người giúp đỡ em, trả lời nhiều commnet mệt thì chị cũng chịu”. Thế là bạn ấy chỉ đọc chứ không trả lời trả vốn gì thêm. Tôi xem xong trưng hửng…
Phần vì có lẽ hôm nay tôi có hơi nhảy cảm, phần khác nhóm tôi làm mục đích chính vẫn là tạo không gian để mọi người giải phóng cảm xúc và những chia sẻ về đời sống, văn hoá hơn là thảo luận các đề tài du học, những chủ đề về học tập thì đã có rất nhiều nhóm làm chuyên nghiệp và hoàn thiện hơn Solise Tales rất nhiều. Nhưng vì em inbox riêng nên tôi nghĩ vẫn sẽ duyệt bài với điều kiện bài viết có tâm chứ không phải tuỳ tiện đôi ba dòng sáo rỗng. Trong nhóm đa phần là người đi làm, mọi người đều bận rộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền, ngoài cái đó ra còn phải luôn trong tư thế đỡ những quả lựu đạn vô duyên và kì thị của người Đài. Tôi nghĩ thời gian mọi người giành cho nhau một lời động viên hay chia sẻ đều đáng quý và phải được tôn trọng. Vậy mà một lời cám ơn thể hiện văn hoá cư xử văn minh em cũng kiệm.
Chị em tôi tạo ra Solise Tales đơn giản để cân bằng lại bản thân, sau đó tôi thấy nhu cầu giải tỏa áp lực, tránh rơi vào trạng thái trầm cảm là rất cần thiết cho những con người phiêu bạt như mình, nên tôi tạo nhóm với cái tên “Đài Loan & Những Chia Sẻ Về Cuộc Sống” . Tôi không thu một đồng bạc nào của các bạn khi làm công tác tư vấn, cặm cụi đêm hôm viết lách hay chia sẻ tận răng những kinh nghiệm của mình. Những ngày đầu tiên hai chị em tôi viết blog chỉ với vài trăm followers, ai tìm đến Solise Tales, chúng tôi cũng inbox trả lời từng bạn một. Nhưng sau đó tôi hiểu sức mình có hạn, vì chúng tôi nhiều nhất cũng chỉ sống có hai cuộc đời thôi, mà Đài Loan thì lớn, trường học thì nhiều, văn hoá mỗi nơi mỗi khác, lối sống cũng vậy, ngành nghề thì càng đa dạng. Tôi hiểu nếu mình muốn giúp được nhiều người hơn nữa thì phải làm một sân chơi lớn hơn, tinh thần rõ ràng hơn.
Trong nhóm nhiều bạn chắc thấy chúng tôi hay châm biếm, phê bình thói xấu của người Đài. Đôi khi các thành viên cùng nhau trò chuyện, chém gió vui vẻ như vậy nhưng những mẫu chuyện nhỏ và trải nghiệm đó đều mang dáng dấp của những tổn thương, chỉ là cách chúng ta đối mặt với tổn thương đó như thế nào mà thôi. Tôi quan niệm, trước khi thay đổi được điều gì to tát chẳng hạn như thay đổi được cái nhìn của người Đài đối với người Việt, hay chỉ thay đổi được một bộ phận nhỏ trong họ để hiểu về con người Việt, thì đầu tiên tâm lý mình phải ổn định và cân bằng trước đã. Vì vậy việc giải tỏa những bức xúc không chỉ là cái bể phóng cảm xúc tiêu cực mà còn là nơi cho ta hiểu hơn những khía cạnh khuất bóng trên truyền thông về mặt văn hoá, đời sống của cộng đồng người Việt tại Đài Loan.
Bản thân tôi hay chia sẻ nhiều về con người Đài, về những mặt tốt mà thế giới ca tụng cũng như những giả tạo phía sau bộ mặt văn minh đó. Dù vậy, tôi tin vẫn có những người thực sự tốt và tôn trọng người Việt mình (dù ít đi chăng nữa), và những con người Việt cũng không thiếu những người có học, trẻ trung, hiện đại nhưng cư xử không khác gì cách mà người Đài đánh giá mình (vô văn hoá). Tôi đã sống đến từng tuổi này, đau khổ, vất vả, mất mát nào cũng đã trãi qua, lẽ nào tôi không nhận ra được các bạn đang lợi dụng hay xem thường tôi? Những chiêu trò khôn lỏi đó tôi nhìn qua là biết, chỉ là có đến nỗi tôi vạch mặt làm thẳng hay không thôi.
Người Việt, những người có thể bước ra nước ngoài dù là học tập hay làm việc tôi tin đều đã là những cá nhân được khẳng định về giá trị. Sinh viên mình qua đây đa số đều là ngôi sao của khoa, ngoại ngữ hai loại trở lên là chuyện bình thường, ngoài cái đó ra thì danh sách dài dằng dặc các thành tựu, hoạt động và biệt tài kể không hết…Người lao động qua đây luôn được đánh giá là khôn lanh, nhanh nhẹn hơn người Thái và Indonesia rất nhiều. Thế nhưng chúng ta lại có quá nhiều thanh niên quên mất làm sao nói tiếng “cám ơn” hoặc chỉ là “lười” nói tiếng cảm ơn với những người vắt óc ra suy nghĩ tư vấn cho mình.
Nếu bạn để ý các bài viết của tôi, bạn dễ dàng nhận thấy ngoài trừ các chia sẻ về văn hoá và đời sống, những bài viết mang tính thao tác tôi luôn viết dưới dạng hướng dẫn hơn là mô phỏng từng bước. Vì tôi biết tính cách lười biếng, ưa nhờ vả và khôn lỏi của người Việt mình, thay vì việc đó bạn ấy có thể làm dễ dàng nhưng vẫn muốn người khác dọn sẵn đến miệng chỉ việc ăn thôi. Cách làm của tôi, những người đi trước chia sẻ và hướng dẫn con đường đi sao cho không lệch, còn chi tiết đi như thế nào bạn phải tự tìm hiểu và mày mò. Va chạm càng nhiều, kinh nghiệm càng phong phú thì sự hoà nhập càng sâu sắc, không ai có thể sống dùm cuộc đời bạn dù chỉ một ngày. Có như vậy khi mình thành công thì thành tựu mới được tận hưởng trọn vẹn.
Nếu bạn đọc đến đây thì dù bạn đồng ý hay không đồng ý cách viết của tôi thì tôi vẫn vô cùng biết ơn bạn. Hôm nay tôi rất cần ai đó đọc những dòng cảm xúc này, vì đây là Lễ Tạ Ơn đầu tiên tôi có nhiều tâm sự đến như vậy.
Một Lễ Tạ Ơn rơi rớt nỗi buồn…
#kinhnghiệmduhọc #duhọcsinhđàiloan #cuộcsốngduhọc #tâmsự #lễtạơn #thanksgivingday
Bài viết rất chân thật! Mình cảm thấy nhiều bạn muốn ra nước ngoài nhưng rất lười suy nghĩ. Cái gì cũng muốn dọn sẵn. Có những câu hỏi mà mình thấy rất basic hoặc rất chung chung vẫn thấy post lên 🙂 Thời buổi này, information thì đầy trên mạng: chính thống có, blog nhỏ nhỏ cũng có. Chỉ cần bật máy lên là sẽ có thôi. Mà như bạn nói, chẳng bao giờ có lấy một câu “thank you” hoặc feedback.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Đúng đó bạn. Cảm ơn vì bạn đọc và hiểu. Nhiều khi mình viết blog mà có cảm giác như con sen, như mắc nợ mấy anh chị em có kiểu suy nghĩ như vậy. Lắm lúc stress đến không muốn làm tiếp nữa.
ThíchĐã thích bởi 1 người