Tôi tin rằng những người yêu sách không xa lạ với cuốn sách này. Nếu bạn muốn tìm đọc một review đầy đủ và logic, tôi tin rằng Trạm Đọc và các trang chuyên làm sách khác có vô số bài viết hay về nó. Tôi cũng biết đến cuốn sách này như thế nhưng chưa bao giờ tôi đọc tóm tắt nội dung. Vì sao ư? Vì chỉ đọc vào câu đầu của phần Đề Tựa tôi biết chắc đây là món ăn dành cho mình.

Tôi mua cuốn sách này đến tận hai lần, lần đầu là bản gốc tiếng Anh nhưng vì quá đoảng mà tôi làm mất nó trong chuyến đi Hồng Kông hồi đầu năm, lần thứ hai là bản dịch tiếng Việt mà tôi nhờ cô bạn thân mua dùm rồi gửi vội ở khách sạn trong chuyến đi công tác Việt Nam hồi tháng 8.
Đến bây giờ tôi mới đọc xong cuốn sách này. Điều đầu tiên tôi khuyên bạn là hãy đọc nó trong trạng thái thật lạc quan và tỉnh táo. Nếu không, bạn sẽ bị cuốn vào những cảm xúc xé nát cõi lòng từ những dòng đầu tiên của Abraham cho đến phần Lời Bạt cuối sách của Lucy (vợ của Paul).
Hẳn bạn sẽ hỏi tại sao tôi không nói đến Paul Kalanithi trước tiên, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh trên cả tài giỏi, một nhà văn có thừa khả năng sáng tác nhưng lại quá phù hợp để làm nhà thần kinh học hơn là tác giả. Paul có hai cuộc đời lớn và cả hai đều rất xuất sắc dù rằng thời gian sinh tồn của anh rất có hạn.
Như Lucy đã nói, những gì xảy đến với Paul thật sự rất đau đớn nhưng bản thân anh không phải một bi kịch. Đọc những dòng đầu của cuốn sách tôi bắt đầu có cảm giác mình sẽ chịu không nổi nỗi buồn và cảm giác bất hạnh mà nó sẽ đem lại, nhưng khi bước vào hai phần chính do chính Paul chấp bút tôi lại trở nên bình tĩnh và lí trí bất thường như cách anh đi qua cuộc đời mình, cũng như cách anh mặc cả với cái chết không mời mà đến ở tuổi 38, khi đó Paul đứng trước vinh hoa phú quý, thành tựu sự nghiệp mỹ mãn và quyết dùng nó để cứu vãn cuộc hôn nhân đang nằm trên bờ vực đổ vỡ của mình.
Người ta nói nhiều về cách mà Paul chấp nhận cái chết, quá trình đối mặt sống động và chiến đấu không ngừng nghỉ để giành giật với tử thần từ từng cái tít tắt của đồng hồ. Tôi cảm ơn Paul về những miêu tả vô vàn chân thực đó, nhưng cũng như lời anh nói khi mới phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi, đó là cho dù anh là một bác sĩ, cho dù anh có từng nhìn thấy bao nhiêu người chết đi nữa, thì anh cũng không thể hiểu được cái chết cho đến khi chính anh là bệnh nhân của mình. Mỗi người đều sống những cuộc đời khác nhau, có thể là với trải nghiệm và tư duy của Paul anh chết theo cách nọ, còn chúng ta sẽ chết theo cách kia. Dù thế nào cảm giác đó tôi vẫn tin nó là khác nhau với mỗi con người, bởi vì chúng ta có những hoài bão, hối tiếc và thất vọng khác nhau.
Paul rất cứng cỏi trong từng lời văn nhưng vẫn xen lẫn sự sợ hãi. Tôi đọc từng chữ anh viết, chờ đợi một sự đột phá hay vỡ oà từ anh khi cái chết đang ngày một gần hơn, điều mà cả anh và tôi đều cảm nhận được qua ngôn ngữ. Nhưng cuối cùng người vỡ oà không phải Paul, mà là chính tôi. Đang ở một trạng thái rất bình tĩnh khi trôi dạt theo những suy nghĩ mông lung của anh về đứa con sắp chào đời Cady, lật sang một trang mới là những dòng chấp bút đầu tiên của Lucy, tôi vỡ oà trong nước mắt. Paul cứ như vậy mà biến mất, hoà vào thinh không, khiến đọc giả chơi vơi trong trong những con chữ chưa có hồi kết.
Đọc cuốn sách này tôi khóc hai lần, đoạn đầu và cuối, đây đều là những đoạn không phải Paul viết về chính mình. Tôi nghĩ trong thâm tâm anh, anh đã thôi không còn muốn đánh giá cuộc đời mình có phải hay không phải bi kịch nữa rồi. Ngược lại, những người vì anh làm cuốn sách này, những người thương mến anh, những độc giả ngưỡng mộ anh đều xem nó là một bi kịch, dù cho tất cả chúng ta cố gắng thỏa hiệp, chấp nhận cái chết của Paul một cách đầy ý nghĩa và công hiến rực rỡ đi chăng nữa, anh vẫn ra đi trong sự xót xa cùng cực mà ai nấy cũng muốn chối bỏ.
Từ đầu câu chuyện Paul đã say xưa với việc đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, trong đoạn đường đời ngắn ngủi của anh, anh đã không thể hoàn thành được mục tiêu lớn lao đó, ngoại trừ thứ có ý nghĩa nhất nhưng lại quá bất đắc dĩ: đó chính là cái chết. Người ta tìm đọc một cuốn sách, hay xem một bộ phim luôn cố gắng thoả mãn một nhu cầu nào đó. Có người tìm kiếm sự giải trí, có người tìm kiếm bài học và ý nghĩa … Tuy nhiên đọc cuốn sách này, tôi thấy ý nghĩa không hiện hữu nhiều qua nội dung cuốn sách, nó hiện hữu ở sự kết thúc trong nuối tiếc, mà Paul để lại cho đời và cả chính mình như bao nhiêu cuộc đời khác trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta mà thôi.
Giống như bài học cuối cùng trong “Nhà Giả Kim” : “Bất kể giàu hay nghèo, sang hay hèn, ai cũng đều có vai trò chính trong lịch sử thế giới, có điều phần nhiều người ta không biết đó thôi”. Riêng Paul thì anh đã biết cách tận dụng để cho thế giới biết đến mình, dù đó là cái chết.
#khihơithởhoáthinhkhông #solisereading #solisereview #bookreview #reviewsách #ưhenbreathbecomesair #Paul #PaulKalanithi #sáchhay