Giải Trí Phim Điện Ảnh

A SUN, KHI VĂN HOÁ ĐÈ NÉN CẢM XÚC CỦA NGƯỜI ĐÀI ĐƯỢC ĐƯA LÊN MÀN ẢNH RỘNG

Hôm nay mình tiếp tục viết phim Đài, viết về A Sun, một bộ phim gần như ôm trọn các giải thưởng hàn lâm điện ảnh của năm vừa qua. Trước khi xem phim mình không đọc review, cũng không xem tóm tắt vì mình muốn giữ nguyên cảm xúc khách quan nhất của mình. 

A Sun, ánh dương chiếu rọi, và theo cảm nhận của riêng mình thì nó chiếu rọi cho cuộc đời thứ hai của A Hoà. 

Hai anh em A Hào và A Hoà đều đem đến cho người xem những thấu cảm riêng. Cùng cha mẹ, cùng hoàn cảnh sinh trưởng, A Hào đẹp trai tài giỏi, rạng ngời bao nhiêu thì A Hoà hư hỏng, tầm thường bấy nhiêu. Chỗ này cho điểm khâu chọn diễn viên của đạo diễn. Đặc biệt là nhân vật A Hoà, chàng trai trẻ có ngoại hình rất đời, chiều cao khiêm tốn, sự tự ti và cô đơn hiện trên khuôn mặt. Vào những cảnh quay đầu tiên của phim xét về diễn xuất A Hoà nổi bật hơn hẳn A Hào mặc dù Hứa Quang Hán vẫn vẻ đẹp trai sát gái không tưởng đó. Nhưng mình cho điểm rất cao với A Hoà, điểm hợp vai, mới mẻ và diễn xuất rất ổn định. Phim điện ảnh thì không thể thiếu những yếu tố này. Đạo diễn và biên kịch tạo ra hai hình mẫu trái ngược xuyên suốt cả bộ phim để giãi bày cho những bi kịch xảy ra sau đó một cách hợp lí và thuyết phục. Phim Đài Loan rất ổn về cái kết, phim tuy ít nhưng đã làm là rất đầu tư về kịch bản, không có chuyện “hốt” không được như phim Hông Kông. Xem đến đoạn kết mình thật sự không biết bắt đầu viết từ đâu. Vì vậy mình sẽ viết từ tựa đề cho đơn giản.

A Sun, chính là ánh mặt trời mà A Hào nhắc đến trước khi anh tự gieo mình từ trên cao xuống. Bạn thử tưởng tượng, trong một gia đình có hai con trai, mà tình thương và hào quang chỉ đều dành cho đứa trẻ xinh đẹp và giỏi giang vậy thì có phải đứa trẻ xấu xí và kém nổi bật sẽ rất bất hạnh!? Câu trả lời là không. Không chỉ một đứa bất hạnh mà cả hai đứa đều bất hạnh. Đó là huyết mạch của cả bộ phim. Sự mất cân bằng trong tình thương của người cha làm cho đứa con nhỏ bị tổn thương dẫn đến hư hỏng, cũng đồng thời làm cho đứa con trai lớn gánh chịu quá nhiều áp lực, cho đến một ngày anh ta quyết định tự giải thoát mình bằng cái chết. Nói đến đây thì không thể không đề cập đến văn hoá gia đình Đài Loan, đặc biệt trong tư tưởng giáo dục con cái. Không biết từ đâu mà người Đài Loan học được cái cách răn dạy trẻ con, uốn nắn chúng phải theo một hình mẫu tử tế: ăn nói không được lớn tiếng, phải luôn lịch sự, lễ phép, đặc biệt là phải luôn giữ hoà khí. Xung đột là xấu, tranh luận là xấu, cãi cọ là xấu, giải phóng cảm xúc cũng là xấu, hành vi bản năng cũng là xấu nốt,… Bạn bè Đài của mình vẫn thường hay nói, con cái người Đài rất 「壓抑」, là một hình thái đè nén cảm xúc rất sai cách (nếu không muốn nói là biến thái) trong phương pháp giáo dục, để những đứa con trở thành những hình mẫu lý tưởng như: con trai thì nho nhã, ngọt ngào, con gái thì khí chất “nữ thần”, tất cả đều phải luôn luôn thân thiện và hiểu chuyện,… Nhưng phía sau sự đè nén và vẻ tươi cười thân thiện đó lại là những câu chuyện giải phóng cảm xúc theo rất nhiều hướng tiêu cực khác nhau, cụ thể ở đây là A Hào thì chọn cái chết còn A Hoà thì phóng túng bản thân.

Nếu các bạn hay đọc bài chia sẻ của mình về văn hoá, sự hai mặt và giả tạo của người Đài đều từ cách giáo dục khuôn mẫu này mà ra. Đối với mình, đây là một cách làm sai lầm. Trẻ con ở Việt Nam lớn lên trong điều kiện thiếu thốn hơn Đài Loan rất nhiều, nhưng rất ít những câu chuyện trầm cảm, tự tử hay tự làm hại mình bằng nhiều cách khác nhau vì chúng ta có chỗ giải phóng cảm xúc, nhất là đối với những cảm xúc tiêu cực buồn bã,… Kiểm soát cảm xúc là điều cần thiết nhưng nó không đồng nghĩa với việc phải chôn vùi chúng trong cô đơn. Điều này cực kì tai hại đối với những cá nhân chưa đủ trưởng thành để đối mặt. 

A Hào là một đứa trẻ như thế, luôn luôn biết nghĩ cho người khác, luôn là hình mẫu để cha mẹ tự hào. Ai cũng nghĩ vấn đề lớn nhất của gia đình là A Hoà, thì sự thật lại ngược lại, có một đứa trẻ vật lộn trong sự hoàn hảo của nó. Đầu phim có đoạn A Hào nói chuyện với cô bạn cùng lớp trong sở thú, anh nói rằng mặt trời là thứ công bằng nhất vì nó soi rọi mọi thứ với cường độ như nhau, và anh mong muốn có được bóng râm khi mệt mỏi như bao sinh vật khác. Đó là dấu hiệu của sự mệt mỏi. Người xem vẫn không khỏi bất ngờ bởi cái chết của kẻ hoàn hảo giáng xuống một gia đình tưởng chừng như đang dần ổn định lại sau những biến cố do kẻ hư hỏng gây ra. Theo mình, đoạn phim ám ảnh nhất và đáng giá nhất trong phim chính là cảnh A Hào tắm sạch sẽ, quần áo sắp xếp gọn gàng, rồi gieo mình xuống từ trên cao, trước sự bất ngờ của người xem. Đến khi chết, anh ta cũng chết một cách rất đè nén, chết gọn gàng không làm cha mẹ phiền lòng. 

Còn về phần A Hoà, bản thân A Hoà không phải người có bản tính xấu, nhưng cậu ấy là điển hình của những đứa trẻ chịu đả kích thiên vị. Những hành vi như học hư, chống đối, chấp nhận rồi buông thả bản thân đều dễ dàng để người xem cho anh một lý do để trở thành như thế. Đây mới là nhân vật hoàn hảo trong phim theo cảm nhận của riêng mình. Vì đến cuối cùng, sau mọi sai lầm, cậu có một cuộc đời thứ hai dù nó bình thường hay tầm thường nhưng nó vẫn là một sự sống「不完美的人生就是完美」… Cuộc đời của A Hoà kết thúc với một gia đình nhỏ mà trong đó không có ai hoàn hảo, nhưng họ lại trở thành những mảnh ghép quan trọng trong cuộc đời của nhau. Một bài học đắt giá từ nhân vật A Hoà là: những sai lầm trong quá khứ dù cho có cố gắng xoá bỏ thì nó vẫn tồn tại và ám ảnh bạn. Tuổi trẻ có thể đôi chút ngông cuồng, chống đối nhưng một khi đã phạm sai lầm lớn thì vết nhơ đó sẽ theo bạn suốt đời. Phân đoạn A Hoà và Thái Đầu gặp lại nhau sau khi ra tù làm cho người xem rất căng thẳng và ức chế. Dù diễn xuất và mạch truyện ổn nhưng mình vẫn thấy đoạn nay hơi dông dài, nếu có thể súc tích hơn thì bộ phim sẽ rất xuất sắc về mặt biên kịch! 

Dưới áp lực của Thái Đầu thì A Hoà bất cứ khi nào cũng đều có thể quay lại con đường cũ dù anh ta có muốn hay không!? Đó là một bài học để răn đe những thanh niên gặp phải chút ít trắc trở thì trở nên buông thả, cho mình cái cớ để phạm sai lầm nhưng lại không biết được hệ lụy phía sau nó dai dẳng đến nhường nào. Cụ thể ở đây người phải trả giá không phải chỉ A Hoà mà còn là cả gia đình anh ta, người cha, người mẹ, người anh đều phải cùng nhau gánh vác. Cách yêu thương của mỗi người dù có khác nhau nhưng chung quy cũng là để bảo vệ gia đình mình. Khi đứng trước sự đe dọa của Thái Đầu, người cha đã không hề suy nghĩ về việc giết người để giải thoát cho con mình. Đây là cái kết rất hợp lý, vì có những sai lầm có thể sửa chữa, nhưng có những sai lầm không bao giờ có thể hàn gắn dù bạn có cố gắng đến đâu đi chăng nữa, hoặc nếu có thì cũng phải trả giá rất đắt. Cảnh A Hoà gặp lại người năm xưa bị anh và Thái Đầu chặt đứt cánh tay rơi vào nồi súp rất ấn tượng và ngụ ý về sự răn dạy nói trên. 

Người mẹ thì sao!? Bà biết tính chồng mình, con mình, biết sự việc đang đi theo hướng không đúng nhưng bản thân bà cũng không thể khiến chồng mình thay đổi. Cách duy nhất là bà im lặng và bảo vệ con mình theo cách ôm mọi thứ vào lòng. Lại một kiểu đè nén khác, đến ngay cả khi sự việc Tiểu Ngọc mang thai con của A Hoà vỡ lở, bà cũng một mình chịu đựng, giải quyết hậu quả, chồng không nghe mà con hỏi cũng không nói. A Hào rất muốn chia sẻ với bà, nhưng vì thương con nên bà vẫn im lặng, không tâm sự, không giãi bày. Cảnh hai mẹ con A Hào và bà đối thoại trong bếp thật sự rất hàm súc. Cha mẹ thường nghĩ cứ bảo vệ con cái bằng cách ôm hết vào mình, cứ chăm sóc con một cách vô điều kiện thì là đúng đắn nhưng họ quên ràng đứa con nào cũng có suy nghĩ và cảm xúc vì chúng là con người. Quan trọng hơn nữa là cha mẹ phải để con cái học cách đối mặt với áp lực và trưởng thành trong những biến cố gia đình. Sự đè nén cảm xúc trong gia đình càng lớn thì áp lực vô hình mà đứa trẻ phải gánh chịu càng nặng nề. Đã là gia đình thì phải chia sẻ cùng nhau, đó cũng là một cách để xây dựng mối quan hệ gần gũi giữa các thành viên trong gia đình.

Nhân vật hay nhất, cố chấp nhất, có lẽ bị đánh giá là sai nhiều nhất là người bố. Một người tư chất bình thường nhưng lại có đứa con trai lớn hoàn hảo, ông đặt mọi kì vọng và tâm tư vào A Hào. Yêu thương A Hào bao nhiêu thì ghét bỏ A Hoà bấy nhiêu. Đến khi mất đi đứa con trai lớn ông mới dần chấp nhận A Hoà và cái giá phải trả cho sai lầm của ông là phải bảo vệ đứa con này bằng mọi giá, kể cả giết người. Diễn xuất của người bố xuất sắc đến mức làm mình không thể trách ông ấy được. Giáo dục tâm lý (心理教育/愛的教育) ở Đài Loan đang được đề cao quá mức yêu cầu và giáo dục kiểu truyền thống (威權教育) đồng thời bị lên án nặng nề. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng, mỗi đứa trẻ cũng phải tự học cách chịu trách nhiệm với hành vi và học cách trưởng thành sau từng biến cố trong cuộc sống. Sự hà khắc của người cha không phải sai hoàn toàn nhưng vấn đề của gia đình này là thiếu chỗ giải phóng cảm xúc, thiếu trao đổi và thổ lộ cùng nhau. Người ta thường bảo năm ngón tay cũng có ngắn có dài, sự chênh lệch tình thường dành cho con cái trong gia đình là điều có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Đứa ngoan thì được thương nhiều , đứa lì lợm thì bị phạt nhiều, chung quy dù là phạt hay thưởng thì cha mẹ cũng đang cố làm cho con mình đi đúng phương hướng. Gia đình là một bức tranh lớn trong đó mỗi thành viên là một mảnh ghép nhỏ, để những mảnh ghép này kết nối với nhau hoàn hảo thì không phải chỉ có cha mẹ nỗ lực là đủ, con cái cũng phải góp phần. Rõ ràng trên đời này không có gia đình nào hoàn hảo cả, kể cả trâm anh thế phiệt đi chăng nữa, ai cũng có người cha này, người mẹ nọ nhưng chẳng lẽ cứ có hoàn cảnh là chúng ta đi tìm cái chết để giải thoát. Thế thì bao nhiêu cái mạng cho đủ một đời người!? Bảo vệ tâm lý trong giáo dục là điều cần thiết nhưng không phải theo cách cứ xoá bỏ những phương pháp cũ. Nhân vật người cha trong phim là đại diện của giáo dục theo phương pháp truyền thống nên có hàm ý bị đem ra lên án. Tuy nhiên với mình, những phương pháp mới nói không đi cùng với sự nghiêm khắc cũng chưa chắc đem lại hiệu quả tích cực. Vì vậy dù phim rất thành công về mặt nội dung nhưng xét về mặt tư tưởng , mình vẫn chưa thật sự cảm thấy thuyết phục. Mình vẫn thường hay nói, thay vì xoá bỏ cái cũ thì hãy thay đổi nó cho phù hợp hoàn cảnh mới. Giáo dục nghiêm khắc cũng là một cách giúp chúng ta trưởng thành nếu sự nghiêm khắc đó được hợp lí và minh bạch. 

Không phải vô duyên vô cớ mà đạo diễn lại đưa vấn đề này lên màn ảnh rộng, sự đè nén cảm xúc trong văn hoá cư xử của người Đài đã trở thành một loại bệnh thái mà rất nhiều bác sĩ tâm lý phải tiếp nhận các ca bệnh hàng ngày. Không đâu xa xôi, quanh mình đã có rất nhiều những hình mẫu như thế. Sống không thật với chính mình, kìm nén cảm xúc và luôn thể hiện bản thân là một con người mà người khác mong muốn nhìn thấy. Trong gia đình người Đài, sự xung đột cảm xúc rất ít xảy ra, mỗi thành viên đều rất giỏi chịu đựng và giữ hoà khí dù cho bản thân có rất nhiều điều không vừa lòng. Đó là tốt hay xấu thì chỉ khi đến khi cảm xúc không thể tiếp tục kìm nén được nữa thì chúng ta mới có câu trả lời…

Chốt câu cuối bài, trao đổi là chìa khoá của mọi khúc mắc. Cho dù là trao đổi một cách tiêu cực hay thiện chí tích cực thì giá trị của nó vẫn còn đó. Cảm xúc, suy nghĩ được giải phóng là một nhu cầu bản năng cũng như ăn ngủ, nghỉ ngơi, tiểu tiện, đại tiện,… Vì vậy hãy thôi tỏ ra sâu sắc và trầm ngâm chỉ vì để trở nên đẹp trong mắt người đời.

P/S: Hoan nghênh tham gia nhóm Đài Loan & Những Chia Sẻ Về Cuộc Sống (–> http://bit.ly/33PPBfZ) để biết thêm về những góc khuất, tâm sự, trăn trở của cuộc sống nơi xứ người cũng như trải nghiệm độ bựa của Admin & các thành viên trong nhóm.

#reviewphimánhdươngphổchiếu #陽光普照 #Asun #ánhdươngphổchiếu #solisereview #soliseontheroad #soliseblog #solisetales #solisetales.com

Bình luận về bài viết này