Đài Loan Taiwan Đời Sống

QUỐC TẾ QUAN VÀ SỰ THÂM SÂU CỦA CHÍNH PHỦ THÁI ANH VĂN

Ở bất cứ một quốc gia đa đảng nào thì sự phân cực trong chính trị đều được thể hiện rõ trong đời sống thường nhật của người dân. Với bạn nào ưa thích lịch sử thì chắc chắn sẽ không bỏ qua sự kiện 228 xảy ra những năm 1947-1948 tại Đài Loan, ở đây Sò không kể câu chuyện đau lòng này, nhưng điểm qua nó vì sự kiện này là tiền đề cho việc hình thành đảng phái chiếm số đông thứ hai tại Đài Loan, Đảng Dân Tiến.

Gọi Đài Loan là đa đảng nhưng nổi bật thì chỉ có Đảng Quốc Dân (tạm gọi là phe bảo thủ) là Đảng do Tưởng Giới Thạch đem từ Trung Quốc sang và Đảng Dân Tiến (tạm gọi là phe dân chủ). Quan điểm chính trị thì dĩ nhiên là tuỳ vào cái nhìn của từng người, đúng sai không phải vấn đề lớn, vì cái Sò muốn nhấn mạnh ở đây là sân chơi chính trị cực kì phong phú, sôi nổi và không kém phần thâm thuý của Đài Loan trong những năm qua. Sò ở Đài 6 năm, chứng kiến hai lần bầu cử.

Trước đây, đại bộ phần người Đài đều ủng hộ phe bảo thủ vì những lợi ích kinh tế trước mắt mà Đảng này đem lại thông qua các chính sách thân Trung, nhưng trong hai lần bầu cử gần đây thì Đảng Dân Tiến đều thắng đậm. Lí do và chiêu trò thì rất nhiều, kể ra thì nghìn lẻ một đêm cũng không đủ, nên ở đây Sò chỉ phân tích những mặt tích cực mà “Quốc Tế Quan” của Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến đem lại cho tương lai của hòn đảo này cũng như để củng cố vị thế của bà.

Các bạn hay theo dõi bài viết của mình thì chắc không xa lạ với việc mình thường xuyên lên án sự bảo thủ, bài trừ ngoại quốc, thói tự cao và kì thị ngầm của đại bộ phận người Đài. Từ những hạn hẹp về tầm nhìn này của một bộ phận lớn người dân, đã tạo nên một rào cản vô hình kiềm hãm sự phát triển quốc tế quan trên diện rộng của người Đài Loan, nói cách khác, sự quốc tế hoá ở đây cũng dần dần hẹp theo năm tháng. Từ báo chí, truyền thông, văn hoá đời sống hằng ngày cho thấy, họ không chú trọng nhiều đến việc nhìn nhận, tìm hiểu sự thay đổi của thế giới bên ngoài, mà chỉ dừng lại ở quá khứ huy hoàng của Đài Loan 20 năm trước, là một thế giới chỉ có Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Vì sao ư? Vì Nhật từng độ hộ Đài Loan trong 50 năm, vì Trung Quốc là nơi các Đài Thương đặt cơ sở sản xuất và làm ra nguồn thu khổng lồ cho giới nhà giàu Đài Loan, còn nước Mỹ thì không khác gì mẹ đỡ đầu của Đài Loan trong cả lĩnh vực kinh tế và chính trị.

Sò đi thẳng vào vấn đề vì sao mà mình rất ủng hộ tổng thống Thái Anh Văn, dù rằng xung quanh mình có rất nhiều người từng dùng những phân tích và lập luận thuyết phục về việc bà lợi dụng lòng dân muốn độc lập để kéo phiếu, trục lợi cho bản thân. Nhưng chí ít, người phụ nữ này có quốc tế quan sâu rộng hơn những người tiền nhiệm, kể cả những người cùng Đảng với bà. Nếu phân tích ở góc độ Marketing thì bà là một người đi trước đón đầu xu hướng. Ở Đài Loan, những người chịu khó thức khuya dậy sớm đi bầu cử đa phần là người lớn tuổi, ủng hộ Quốc Dân Đảng, đây là cái bánh đã được vẽ sẵn mà chị Thái khó mà có cửa chen chân vào (mặc dù Đảng Dân Tiến cũng có một bộ phận Fan ruột nhưng không mấy hùng hậu). Thị trường mà bà khai thác rất rõ ràng: những tri thức trẻ tuổi, thành phần tân di dân, dân nhập cư theo đủ các diện, bộ phận không thuộc thành phần chính trị cực đoan…đây đều là những thị phần Quốc Dân Đảng không hề ngó ngàng đến, hoặc có chăng cũng chỉ là làm qua loa vài khẩu hiệu để kéo phiếu trong những ngày cận kề bầu cử. Cách đánh rất có chiến lược, đánh từng nhóm nhỏ lẻ, thiết lập những chính sách khác nhau theo từng thời điểm có lợi cho từng nhóm mục tiêu:

  • Đầu tiên là sự cứng rắn trong việc muốn Đài Loan là một quốc gia độc lập được cả thế giới công nhận, cái này hợp ý bọn trẻ bây giờ lắm.
  • Đấu tranh trực diện với Trung Quốc, không hề nương tay dù chỉ là phát ngôn. Kiểu đấu võ mồm không biết mệt, trong khi các Tổng Thống trước đều rất kiêng nể bờ biển bên kia, nhiều khi cả nói cũng không dám nói vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế trước mắt. Sự liều lĩnh và bản lĩnh của bà đánh thẳng vào tâm lý bộ phận lớn người dân Đài Loan hàng ngày nơm nớp lo sợ có ngày sẽ bị Trung Quốc thống trị.
  • Đánh vào giới trẻ bằng những chính sách tiến bộ và văn minh, chẳng hạn như trưng cầu dân ý những vấn đề trọng đại, hợp thức hoá hôn nhân đồng giới, đưa Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới tại Châu Á. Đây là một nước cờ cực thông minh của chị Thái. Có thể thấy chỉ sau một đêm, hình ảnh về một đất nước tiến bộ, dân chủ và văn minh của Đài Loan trôi nổi trên khắp mặt báo quốc tế. Sự hiện diện của Đài Loan được quốc tế khẳng định một bậc. Chiêu này vừa được phiếu của cộng đồng LGBT, vừa được phiếu của lớp trẻ có suy nghĩ tiên tiến ủng hộ LGBT, vừa nâng cao giá trị hình ảnh đất nước. Một mũi tên trúng mấy con chim.
  • Lợi dụng sự kiện nhân quyền ở Hong Kong thức tỉnh biết bao thanh thiên trẻ mới có 18 tuổi phải trằn trọc không ngủ để theo dõi tình hình bỏ phiếu, xếp hàng bỏ phiếu để cứu lấy tương lai đất nước của mình…Đây đều là những hình ảnh chưa từng có ở Đài Loan. Nếu bạn có theo dõi trang Facebook chính thống của bà thì cuối năm ngoái, những sự kiện tổ chức để tiếp sức cho phong trào nhân quyền ở Hong Kong do đích thân bà xuống đường chủ trì, những video clip, hình ảnh về chủ đề #StandforHongKong được đăng tải trên các phương tiện truyền thông lấy đi bao nhiêu nước mắt của người dân trong nước và quốc tế.
  • Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chiêu mộ nhân tài bằng các chính sách riêng cho Skill Workers. Đặc biệt là chiêu mộ bộ phận học sinh sinh viên quốc tế đi theo hệ vừa học vừa làm được đẩy mạnh cực kì trong nhiệm kì đầu. Nếu các bạn có theo dõi đường lối của hai Đảng này thì sẽ thấy các đời Tổng Thống trước, đặc biệt là Tổng Thống của Quốc Dân Đảng, chỉ có những chính sách hỗ trợ cho con em người dân tộc thiểu số, nhưng ở thời của bà Thái, bà đem đến nhiều quyền lợi cũng như ngân sách để hỗ trợ cho con em Tân Di Dân, học sinh Hoa Kiều, du học sinh quốc tế… Đối với người thuộc tư duy bảo thủ, họ cho rằng những chính sách này là cướp đi công ăn việc làm cũng như những cơ hội nghề nghiệp của con cái người Đài, nhưng suy cho cùng có những công việc (ví dụ như cán bộ nhà máy, cấp quản lý tầm trung nhà máy hay các công việc mang tính chất vất vả khác…) thì con em người Đài không ai thèm làm. Đài Loan đã từng có những giai đoạn hoàng kim khi thu hút rất nhiều dự án đầu tư có vốn nước ngoài, nhưng vì phần nào đó sự bảo thủ trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư nên dẫn đến thiếu hụt lao động. Hiện tai, ở các trường Đại Học trên khắp mọi miền đất nước này đều có một bộ phận nhất định con em Hoa Kiều và du học sinh bán thời gian từ các nước đang học tập và thực tập trong các nhà máy, đây được cho là lò sản xuất một lượng lớn nhân lực bù đắp cho những phân khúc lao động bị thiếu hụt trong nhiều năm qua của Đài Loan. Học sinh Việt Nam cũng hưởng được không ít lợi từ chính sách này, cha mẹ nghèo ở Việt Nam không thể cho con cái du học, bằng chính sách vừa học vừa làm này, học sinh có thể tự nuôi sống mình, tích luỹ được kiến thức cơ bản và công việc ổn định khi tốt nghiệp, hơn hết còn mở ra những cơ hội định cư rõ ràng hơn, WIN-WIN situation. Đây đều là những mặt tích cực mà quốc tế hoá mạnh mẽ đem đến cho tương lai Đài Loan, cũng là đóng góp của chính phủ Thái Anh Văn.
  • Lợi dụng chiến tranh thương mại, lôi kéo Đài Thương từ Trung Quốc trở về Đài Loan bằng nhiều chính sách giảm thuế, đơn giản hoá thủ tục, hỗ trợ ngân sách, đồng thời đẩy mạnh chính sách Hướng Nam với mục đích là phân tán sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Có lần Sò đi theo sếp làm một dự án. Thời điểm đó chính sách Hướng Nam đang nổ ra rần rần, thậm chí chỉ cần có một ít quan hệ và kế hoạch đầu tư rõ ràng thì chính phủ còn cấp vốn cho doanh nghiệp đi đầu tư ở Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á. Xét về mặt lâu dài, đây là một động thái cực kì có tính bứt phá trong quan hệ thương mại của Đài Loan và các nước, không cần phải nói, ly khai Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu.
  • Trong bối cảnh CoronaVirus đang diễn biến phức tạp, lợi dụng vị thế nổi bật trong y tế của Đài Loan vốn có trong nhiều năm qua, Đài Loan đẩy mạnh hình ảnh của mình, nhờ các mối quan hệ ngoài giao thúc đẩy và gây sức ép để WHO cho Đài Loan một ghế. Dĩ nhiên là dưới sự khống chế của Trung Quốc, thì WHO vẫn không dễ dàng thừa nhận sự hiện diện danh chính ngôn thuận của Đài Loan trong WHO. Tuy vậy, sự rùm beng này cũng cho Đài Loan xuất hiện trên mặt báo quốc tế với tần suất dày đặc hơn bao giờ hết.
  • Quốc tế hoá toàn diện: Ở Việt Nam, những năm đầu 2000, chúng ta chắc còn nhớ không ít những bộ phim thần tượng Đài Loan tràn ngập trên thị trường Đông Nam Á, nhưng rồi Trung Quốc, Hàn Quốc đổ tiền chính phủ vào phát triển ngành giải trí, phim Hong Kong, phim Đài Loan chết không kịp ngáp. Vị thế và hình ảnh của nó cũng dần đi xuống và mờ nhạt theo năm tháng dưới cái bóng của anh bạn bên kia bờ biển. Trong hai năm nay, những gì mà Sò thấy là sự chỉnh đốn, đầu tư và quảng bá nhất định của Bộ Văn Hoá, thay vì chỉ lo làm gia công, làm kinh tế và chơi chính trị, Đảng Dân Tiến xây dựng Đài Loan một cách toàn diện hơn, từ việc xây dựng nguồn thu thông qua quảng bá văn hoá, đời sống, du lịch, phim ảnh, nghệ thuật…Người không yêu mến bà thì nói bà bày ra trò để kiếm tiền đen, người yêu mến bà thì cho rằng bà nhìn xa trông rộng, xây dựng và lót đường cho một nền độc lập rõ ràng trong tương lai thông qua từng chính sách của hôm nay.

Trong bối cảnh chính trị Đài Loan chỉ có hai chọn lựa: một là thân Trung, hai là thân Mỹ thì bà luôn có những bước đi thẳng thắn và rõ ràng chứ không mập mờ để nhận lợi ích từ hai phía như những người tiền nhiệm. Văn hoá người Đài, chắc các bạn không xa lạ: “dĩ hoà vi quý” “theo đuổi “lưỡng toàn kì mỹ”, bên nào cũng muốn tay bắt mặt mừng rồi ngồi giữa hưởng lợi, không làm phật lòng ai, tiếc là trong hoàn cảnh bắt buộc đối mặt với một kẻ bá đạo ôm khát vọng bành trướng cả thế giới như Trung Quốc, thì hướng đi đó đã quá xa rời thực tế. Sau Hong Kong, Đài Loan sẽ là nạn nhân tiếp theo của chính sách “ một quốc gia, hai chế độ”. Hiện thực rất đơn giản, những giá trị kinh tế dù có lớn đến mấy thì chỉ sau hai ba mươi năm, mọi thứ đều tan thành mây khói, khi đó thế hệ trẻ của NTU sẽ như PolyU vào một ngày không xa. Bà Thái không cần làm gì nhiều, chỉ cần siêng năng cập nhật tin tức Hong Kong cho người Đài Loan xem là đủ. Tóm lại, những gì mà chính quyền bà đang làm đều là những bước đi chính xác và cực kì khôn ngoan. Bà dẫn dắt Đài Loan phát triển một cách quốc tế hoá mạnh mẽ, mở mang tầm nhìn cho tri thức trẻ (cũng là trụ cột tương lai của đất nước), và thức tỉnh một bộ phận những tư tương bảo thủ còn ngủ quên trong quá khứ hoàng kim đã hết thời của Đài Loan.

Cũng vì sân chơi chính trị rất tự do và sôi nổi như vậy, nên ở đây có rất nhiều thành phần chính trị cực đoan, tức bạn chỉ cần khen đảng đối lập một câu là họ sẽ xù lên dập cho bạn tơi tả , Sò khuyên bạn không nên ngồi uống trà tám chuyện chính trị với các tiền bối có xuất thân nhà lính dưới thời Tưởng Giới Thạch. Còn một bộ phận người Đài Loan (cũng có nguồn gốc người Hán nhưng đã sinh sống ở Đài Loan nhiều đời trước thời chính phủ Tưởng Giới Thạch) thuộc tầng lớp gia đình tri thức nhiều đời làm giáo sư/giáo viên, kỹ sư, bác sỹ, luật sư … thì họ tin tưởng vào Đảng Dân Tiến. Nguồn gốc lịch sử của sự phân cấp này thì Sò phải lượn sơ qua sự kiện 228, khi đó, chính quyền họ Tưởng thua Cộng Sản Trung Quốc và bỏ của chạy lấy người đến Đài Loan, lúc này Đài Loan dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản trong 50 năm đã là một vùng lãnh thổ rất phát triển, dân trí cao và có sự tự do và bản sắc dân tộc nhất định. Khi chính quyền họ Tưởng cũng như Quốc Dân Đảng đặt sự áp bức lên toàn bộ Đài Loan, đặc biệt là bộ phận trí thức này thì không cần phải nói cũng biết đây là quả bom nổ chậm. Cuối cùng nổ banh thật, cuộc đàn áp ngày 28/2 cho đến giữa tháng 5/1947 là một sự kiện đẫm máu không bao giờ phai nhoà trong lịch sử Đài Loan. Những người bị Quốc Dân Đảng tàn sát trong sự kiện 228 đại đa số là các bác sĩ, luật sư, giáo viên từng đi học tập ở Nhật. Sau sự kiện này, hậu duệ của họ vẫn còn đó mối thù thầm kín đến tận bây giờ. 228 từ đó hằng năm được tổ chức long trọng để tưởng nhớ những người đã hi sinh và trở thành một trong những quốc lễ quan trọng của Đài Loan.

Sò viết đến đây thôi, viết xong nghỉ một tháng. Mọi người có thích bài viết về Đài Loan của Sò nhớ theo dõi solisetales.com nha.

10 Bình luận

  1. Mặc dù mình không theo dõi tình hình chính trị ở Đài Loan, nhưng thỉnh thoảng có đọc mấy cái tweets của bà này 🙂 Rất đời thường, ko đao to búa lớn, nhưng nói câu nào là chuẩn câu đó. Ko xạo xạo như cha nội Trump hay mấy cái tờ báo của TQ.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Bài viết được đầu tư và đọc rất cuốn ạ. Em đọc mà thấy được mở mang thêm về Đài Loan và tình hình chính trị ở đây.
    Em cảm ơn chị nhiều! Mong được đọc thêm nhiều bài viết về mọi khía cạnh trong cuộc sống ở Đài của chị.

    Thích

  3. Cảm ơn chị vì bài viết tâm huyết ạ. Em ở Đài 3 năm nhưng vì bản thân vốn lười cập nhật tình hình chính trị nên tới giờ vẫn còn khá mù mờ về câu chuyện đối nội đối ngoại của chính phủ Đài Loan. Mong chị viết thêm nhiều hơn về đề tài này nha chị !!!

    Thích

Bình luận về bài viết này