Hong Kong Phim Truyền Hình

VIẾT CHO TVB VÀ NHỮNG KHÁN GIẢ CHƯA BAO GIỜ BIẾT ĐỦ

Bình thường mình chỉ viết về phim Đài Loan thôi, một phần vì đọc giả mà mình hướng đến là những người muốn tìm hiểu văn hoá đời sống Đài Loan qua nhiều khía cạnh khác nhau, một phần vì bộ văn hoá Đài Loan đang ra sức đẩy mạnh tuyên truyền hình ảnh của đất nước này ra quốc tế, là một người nhận được nhiều lợi ích từ Đài Loan, từ việc học chùa, ở chùa, nâng cấp đời sống chùa…mình nợ đất nước này một lời cảm ơn. Đài Loan cho mình một cuộc đời thứ hai mà cuộc đời thứ nhất của mình chỉ dừng lại đó và mơ ước. Vì vậy, mình ưu tiên viết các topics về Đài Loan.

Nhưng nếu bạn hỏi mình có phải fan ruột của phim Đài Loan hay không thì không phải nhé. Có những bộ phim Đài, đặc biệt là Công Thị, thật sự có chiều sâu và tính giáo dục cao thì mình thích xem và chỉ dừng lại ở đó thôi. Dĩ nhiên, như vậy thì không được xem là dân cứng!

Chị em mình lớn lên trong cái nôi văn hoá của người Quảng Đông (chính gốc không lai luôn), hấp thụ nền giáo dục của Việt Nam. Nhiều khi mình cũng không tự định nghĩa được tính cách dân tộc của bản thân mình. Có lẽ vì sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, các mối quan hệ xã hội, môi trường văn hóa, hệ tư tưởng đều xoay quanh đất nước này nên phần người Việt trong mình khá rõ ràng, còn phần người Quảng thì xót lại cái accent nói tiếng Việt lớ lớ và những giá trị truyền thống văn hoá từ gia đình và cộng đồng người Hoa nhỏ xíu ở Việt Nam. Ngoài những tiếp xúc đó, văn hoá và hình ảnh dân tộc của mình còn phần nào được hình thành nhờ ngành giải trí Hồng Kông những năm 80s, 90s. Từ đây mình nuôi dưỡng một loại tình yêu rất rõ ràng và mãnh liệt với tiếng Quảng bên cạnh tiếng Việt định mệnh.

Từ nhỏ mình nghe nhạc Tứ Đại Thiên Vương, cày phim TVB. Hình ảnh những ngày tháng mà hai chị em mình đeo theo ba đi mướn từng cuộn băng về, rồi cả đại gia đình quây quần trong phòng khách cày phim Hồng Kông thâu đêm chưa bao giờ phai nhạt trong lòng mình. Mình tin rằng những ai thuộc thế hệ 7x, 8x, và một bộ phận của 9x đều lớn lên cùng với những bộ phim thời đó. Vì vậy, tình yêu với phim TVB, ATV hay rộng hơn là phim Hồng Kông không còn đơn thuần ở việc đánh giá nó bằng việc so sánh với các bộ phim truyền hình được đầu tư khủng của Trung Quốc, Hàn Quốc nữa  mà hãy nhìn nhận nó là những kí ức, tuổi thơ, quá khứ, nỗi niềm của nhiều thế hệ thanh niên. Mình không công kích phim Trung Quốc hay Hàn Quốc, bản thân mình cũng xem một số dự án phim hay của họ. Nhưng vấn đề mà mình đề cập ở đây là hãy đánh giá phim Hồng Kông một cách khách quan.

Từ cái thời cấp hai của mình, thời reply1988, truyền hình Việt Nam chỉ có thưa thớt vài bộ phim ngoại để chiếu, thì phim Hồng Kông ở thời kì làm phim hoàng kim của mình, là nguồn phim rẻ và bất tận để chiếu trên khắp các Đài của Việt Nam. Bằng cách này hay cách khác, mình có thể nói ít nhiều nó đã nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành tính cách, giáo dục ý thức, kiến thức cho không ít giới trẻ Việt Nam lúc bấy giờ.

Bây giờ phát triển rồi, Netflix, Disney, HBO, phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc vv… có đủ thứ lựa chọn cho người xem. Nhưng mình tin những người đã yêu phim HK thì vẫn còn đó một chỗ cho TVB. Trong bối cảnh chính trị, đời sống đang diễn ra rất phức tạp tại Hồng Kông, một năm TVB cho ra khoảng 10 đầu phim chất lượng thì đã là rất cố gắng, chúng ta nên ghi nhận và góp ý thay vì chỉ trích và tẩy chay.

Bản thân mình chưa bao giờ dừng xem phim Hồng Kông, mỗi năm mình vẫn xem đủ hết các dự án lớn, lễ trao giải và theo dõi các sao thực lực. Cho dù ở thời điểm phim Đại Lục, phim Hàn dùng tiền và thế lực tẩy não cả Châu Á thì mình vẫn cặm cụi cày phim TVB trên mạng bên cạnh những bộ phim ngoại khác. Tất nhiên, TVB bây giờ không còn vị thế như xưa, vì Hồng Kông bây giờ cũng không còn như xưa nữa rồi, từ một miền cực thịnh vượng giờ đây nó như đang chìm sâu vào đầm lầy, cả thế giới đang thấy mà. Cách làm của TVB so với trước đây không hề khác xưa, chỉ là khán giả khó tính hơn và thị trường nhiều lựa chọn hơn.

Mình đợi 8 năm để xem Bằng Chứng Thép 4, dàn diễn viên ban đầu mình cũng có phần không vừa lòng nhưng xem rồi mình vẫn thấy hay. Vẫn đó kiểu biên kịch nhanh, lột tả chính xác bản chất sự việc, bản chất con người một cách trần trụi, không ướt át, không giả tạo, cũng không mỹ hoá loài người. Nói chung, mình vẫn yêu phim Hồng Kông đến bây giờ vì họ chưa bao giờ đánh mất linh hồn, phim Hồng Kông không màu hồng, không dư đường, không dễ dãi với người xem. Nó thực dụng và đắng cay như đời thật vậy. Mình nghĩ người yêu phim Hồng Kông là yêu cái chân thật đó chứ không phải chỉ là màu sắc, hình ảnh hay sự đầu tư hoành tráng. Cho nên khi mình đọc những phản ứng chê phim và so sánh với ba phần trước thật sự mình có chút chạnh lòng. Còn nhớ 5-7 năm trước, thời đó TVB đang lủng đoạn, mỗi năm còn không có mấy phim chất lượng để xem. Bây giờ TVB chấn chỉnh, thu hút đầu tư, làm tuyên truyền đến tận Việt Nam, làm riêng cho fan Việt một kênh để xem phim thì mọi người cứ không ngừng chê bai. Diễn viên già có thực lực đóng thì chê quá già, diễn viên trẻ còn non tay đóng thì chê diễn dở. Phim nhỏ kinh phí ít thì chê thiếu đầu tư, phim lớn kinh phí nhiều thì chê nhiễm phim Đại Lục…nói chung, cái gì cũng chê được. Thế đó, chúng ta vẫn xem rồi chê, Bằng Chứng Thép 4 chỉ mới vào cuộc, fan Việt đã chê đến ngóc đầu không lên. Tại sao cứ so sánh với các phần trước? Tại sao cứ phải so sánh với Xa Thi Mạn hay Âu Dương Chấn Hoa ? Ở cái thời họ đóng phim đó thì vị trí của họ là nhất ca nhất tỉ, bây giờ Lý Thi Hoa, Huỳnh Hạo Nhiên cũng ở vị trí tương đương. Riêng Đàm Tuấn Ngạn dù không tham gia nhiều dự án phim của TVB nhưng anh ấy thật sự là người diễn viên có tài hoa. Nếu là khán giả, là người xem phim chú trọng xem phái thực lực, mình tin là không ai phủ nhận tài năng diễn xuất rất tinh tế của Ngạn. Anh ấy diễn bằng ánh mặt và cơ mặt thay vì dùng quá nhiều những hành động thân thể dư thừa để đánh lừa thị giác khán giả (dư thừa theo kiểu diễn của Holiday (Trần Pháp Lai) quơ qua quơ lại trong Bao La Vùng Trời 2 ấy, thời ấy mình bỏ hết mấy cảnh của mẹ vì đạo diễn đâu có dám để máy quay gần mặt bả, toàn quay từ xa thôi). Nếu để ý vai sếp Quách của Ngạn toàn quay sát mặt, nhất là mấy cảnh ảnh hỏi cung, cơ mặt rất “mean”, điêu” và “khiêu khích “ trong chiếc áo da bụi bặm đúng kiểu cảnh sát Hồng Kông thời Hồ Sơ Cảnh Sát, Hồ Sơ Trinh Sát. Vậy đó, vậy mà thiên hạ chửi ảnh nhìn như côn đồ, không có chất cảnh sát của TVB. Ủa, mấy bạn xem phim TVB từ hồi nào mà phán tạo hình này không đúng chất? Bàn riêng về LoveLine và FamilyLine thì mình nhận xét hẳn là các câu chuyện trong đó xảy ra tinh tế và có chiều sâu hơn ba phần trước. Nhạc phim thì hay khỏi chê.

Tất cả chỉ là sự cố chấp, không chịu buông bỏ những gì tốt đẹp đã qua mà thôi. Tre không già thì măng làm sao mọc, không có dàn diễn viên trẻ thay thế, không cho họ cơ hội rèn luyện thì đến lúc tre già rụng hết không có măng lại chê tre già ăn dở.

Trong bối cảnh ngân sách làm phim có hạn, mỗi năm TVB vẫn phải cho ra đủ một số lượng đầu phim nhất định, kể cả công tác tuyên truyền, đổi mới, đào tạo diễn viên thì mình thấy đã mãn nguyện lắm rồi. Nếu yêu phim Hồng Kông thì hãy nhìn nhận nó ở một góc độ rộng hơn. TVB hay bất cứ một hãng phim nào cũng tồn tại mặt tối, khuyết điểm của nó. Chúng ta là người Châu Á, thích xem phim Châu Á vì nó gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm thông, vì có cùng cái gốc của văn hoá Phương Đông, có cùng những giá trị văn hoá hay phạm trù đạo đức nhất định. Vậy thì chúng ta hãy đón nhận phim Hồng Kông bằng tâm thế đó.

Tâm sự của một fan TVB sau khi đọc quá nhiều còm sad & bad về phim Bằng Chứng Thép 4 trên SCTV9.

Mọi người có thích bài viết của mình thì nhớ theo dõi solisetales.com nha.

#reviewphim #TVB #phimhongkong #bằngchứngthép4 #SCTV9 #phápchứngtiênphong4 #ForensicHeroes4review

Bình luận về bài viết này