Đài Loan Taiwan Đời Sống

TÌNH YÊU MANG TÊN ĐƯỜNG SẮT ĐÀI LOAN (台鐵)

Tôi có một mơ ước nhỏ xíu là tự tay hoàn thành một bộ ảnh chụp tất cả các trạm tàu lửa ở Đài Loan, đặc biệt là các trạm tàu chậm đặt ở những vùng nông thôn, vùng núi đến các miền tiếp giáp biển. Với tôi, hệ thống giao thông công cộng là mạch máu của kinh tế và đời sống của một đất nước. Hệ thống này càng hoàn thiện thì đời sống người dân càng tiện lợi, hiệu quả kinh tế mang lại càng lớn lao. Tôi là dạng gái văn phòng điển hình, lười lái xe, thích nghe nhạc trên đường đi, rồi ngắm cảnh rồi suy nghĩ vu vơ. Ngày còn sống ở Sài Gòn, dù cho xe Bus ở đó dày vò người dùng cỡ nào, tôi vẫn hàng ngày bắt xe từ Quận 12 vào Quận 1 đi làm. Tôi yêu giao thông công cộng, đó là lí do vì sao tôi yêu Đài Loan, tình yêu thứ hai dành cho đất nước này sau dịch vụ y tế, đó cũng là một trong những động lực giúp tôi vượt qua những chướng ngại đếm không xuể khi hoà nhập vào một cuộc đời mới.

Hệ thống tàu lửa của Đài Loan (TRA) rất đơn giản, hệ thống này trải dài từ Đông sang Tây, khu vực phía Tây thì chia thành hai tuyến chính: Mountian Line (山線) và Coastal Line (海線). Trong đó, Mountain Line (tuyến dọc đường núi) được sử dụng rất nhiều, mật độ xe cao, còn Coastal Line ( tuyến dọc đường biển) thì ngược lại, xe khá ít, lượt người dùng thấp nhưng lại đẹp vì chúng ta có thể ghé ngắm biển.  Các vùng sâu trong núi vẫn chưa được phủ sóng tới, ngoại trừ các tuyến đặc biệt tiếp nối đến các điểm du lịch trọng yếu. Các vùng ngoại đảo (離島) gồm Penghu, Kinmen, Matsu Islands cũng không có phương tiện này.

Tàu lửa Đài Loan (台鐵) được đưa vào xây dựng từ năm 1891, sau đó được hoàn thiện hơn vào giai đoạn Nhật Trị (1895-1945).

Với mạng lưới tàu lửa trải dài trên diện rộng của Đài Loan, phương tiện này đã trở nên một phần ý nghĩa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân nước này từ thế kỷ 19. Đặc biệt là đối với thế hệ cũ, những người lớn lên cùng các tuyến tàu lửa nối miền quê và thành phố trong giai đoạn đất nước còn chưa được thịnh vượng như bây giờ. Họ là những con người xa quê hương, tìm kiếm cơ hội học tập ở các thành phố lớn hoặc những người khăn áo ra đi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Sự hoài niệm này được gợi lại trong những năm gần đây thông qua rất nhiều hoạt động tuyên truyền, sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến “Tàu Lửa”, ví dụ như sự kiện “nostalgia railroad Ekiben”(懷舊鐵路便當), đây là phiên bản chính hãng của cơm hộp đường sắt Đài Loan trong qúa khứ. 

Một tác giả nổi tiếng Su Jhao-Syu, người nổi lên trong phong trào phục hưng hình ảnh của “Tàu Lửa Đài Loan” đã viết hơn 46 cuốn sách về phương tiện này tính đến năm 2019. Ngoài ra, còn có một mạng lưới người hâm mộ xe lửa Đài Loan ngày càng đông đảo thông qua làn sóng “Taiwanzation”. Xét về mặt văn hoá, đường sắt Đài Loan có sự liên hệ và thừa hưởng chặt chẽ với hệ thống đường sắt Nhật Bản, đây được xem là một trong những di sản cực kì có giá trị mà người Nhật đã để lại cho người Đài trong suốt 50 năm độ hộ của mình, trong đó bao gồm hệ thông tàu lửa phiên bản bình dân và cả phiên bản tàu nhanh (High Speed Railway) từ Shinkansen của người Nhật. Ngày tôi đi Nhật, đi đúng những thành phố còn rất hoài cổ như Osaka, Kyoto, Nara…tôi còn tưởng mình lọt thỏm vào một phiên bản phóng đại của Đài Loan. Ở Đài Loan không khó tìm thấy những người đam mê đường sắt nổi bật như nhà khí tượng học Tiến sĩ Hung Chin-Wen và trợ lý giáo sư Su Jhao-Syu thuộc Khoa Quản lý Dịch Vụ Vận Tải Hàng Không của National Kaohsiung University of Hospitality and Tourism, và tôi Solise, một blogger đến từ Việt Nam không tiếng, không tăm, không tuổi nhưng lại mang một tình yêu vô cùng mạnh liệt với đường sắt Đài Loan.

Phân loại tàu:

Chu-kuang (莒光; Jǔguāng) & Fu-hsing (復興; Fùxīng): Là loại xe có mật độ xe dày nhất, xe ngồi rất thoải mái, sạch sẽ nhưng chỉ nhanh trung bình. Giá thì thấp hơn 20-40% Tze-chiang (自強; Zìqiáng, loại tàu nhanh nhất). Có dịch vụ mua vé ngồi và không phải trạm nào cũng dừng.

Local Train (區間車; Qūjiānchē) : Tàu chậm và dừng ở tất cả các trạm dù lớn hay nhỏ, thành thị hay nông thôn, nó có vai trò như phương tiện di chuyển hàng ngày ở cự li gần và không có dịch vụ bán vé ngồi. Bạn cứ lên xe, thấy có ghế thì ngồi, không có thì đứng. Đây là loại tàu tôi thích đi nhất vì nó ghé qua các trạm nhỏ, đôi khi cả người soát vé còn không có, nó đi qua những cánh đồng, thị trấn, làng mạc, thậm chí miền biển … mà các loại tàu nhanh không bao giờ ghé qua.

Tze-chiang (自強; Zìqiáng): Đây là loại tàu nhanh nhất, đắt nhất và chỉ nối các trạm xe lớn, chính yếu trên cả nước. Có dịch vụ mua vé ngồi.

Taroko Express (太魯閣; Tàilǔgé) : Đây là tuyến tàu đặc biệt của loại xe Tze-chiang đưa khách từ Thành Phố Đài Bắc đến Hualien chỉ trong 2 tiếng đồng hồ. Hualian là một tỉnh phía Đông Đài Loan nổi tiếng với những bãi biển đẹp và thắng cảnh, 太魯閣(Tàilǔgé, Taroko Gorge) được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Chỗ này khỏi review, đẹp hết chỗ chê. Tuyến xe này chỉ có ghế ngồi, nếu bạn đi bắt buộc phải mua vé trước vì họ không cho phép đứng.

Puyuma Express (普悠瑪; Pǔyōumǎ): Tuyến này tương tự như tuyến Taroko Express, là loại xe nhanh 150km/h và được đặt tên theo dân tộc Puyuma( một dân tộc thiểu số ở Đài Loan) đưa khách đến tham quan 普悠瑪. Tuyến xe này cũng chỉ có ghế ngồi, nếu bạn đi bắt buộc phải mua vé trước vì họ không cho phép đứng.

Nhìn chung Tàu Lửa Đài loan rất thoải mái, sạch sẽ, an toàn và rất ít trễ giờ. Dịch vụ đặt chỗ trước luôn được cung cấp đầy đủ, trên xe có bán cơm hộp, đồ ăn vặt, nước uống đầy đủ (ngoại trừ một số tàu chậm). Việc kiểm tra thời gian biểu cũng rất dễ dàng, ban chỉ cần vào website TRA tra cứu hoặc đơn giản hơn và tải app về điện thoại để tiện thao tác. Đặt vé xe cũng đơn giản không kém, chúng có thể mua trực tiếp từ các trạm xe, của hàng tiện lợi hay đặt trực truyến đều được.

Những năm gần đây khách du lịch/ người dân có thêm lựa chọn khác là tàu nhanh (Taiwan Highspeed Railway), tốc độ di chuyển khoảng 300km/h. Phương tiện này cực kì phù hợp cho ai có như cầu cần di chuyển nhanh, tranh thủ thời gian và chịu chi giá cao hơn nhiều so với tàu bình dân. Loại tàu này trạm dừng không nhiều và vẫn đang trong giao đoạn hoàn thiện độ phủ sóng, chúng đa phần chỉ có trạm dừng ở các thành phố lớn với quy định mật độ dân số phải đạt mức nhà nước yêu cầu thì mới được xây dựng. Tiện thể đá qua một phát, nhà của Solise cũng gần trạm tàu nhanh nên mọi người nếu muốn đến thăm mình không có trở ngại gì hết nhé.

Kết bài, dù là tàu nhanh hay tàu bình dân thì khách hàng đều có thể thanh toán dễ dàng bằng EASY CARD (Thẻ này có thể dễ dàng mua và nạp tiền được ở cửa hàng tiện lợi, trạm xe). Với bài viết này, tôi hi vọng các bạn có những giây phút trải nghiệm đường sắt Đài Loan phong phú và sâu sắc hơn như một kỉ niệm khó quên trong đời, ngoài ra cũng đừng quên theo dõi loạt bài viết và hình ảnh sắp tới về tất cả các trạm tàu lửa Đài Loan cùng chúng tôi nhé. Solise Tales tin rằng đây sẽ là một bộ ảnh không thể thiếu trên trang sách mang tên “Đài Loan” này.

#dulịchbằngxelửađàiloan #tàulửađàiloan #xelửađàiloan #tàunhanh #tàuchậm #台鐵 #區間車 #快間車 #高鐵 #自強

Bình luận về bài viết này