Du Học Góc Tâm Sự Đời Sống

CUỘC CHIA TAY ĐỊNH MỆNH VÀ CÂU CHUYỆN VỀ VĂN HOÁ CÔNG TY GIA ĐÌNH ĐÀI LOAN

Sáng nay trên đường đi làm tôi nghe ca khúc 慢慢 của Học Hữu ca ca, nó cũng 慢慢 như cuộc chia tay của tôi với sếp. Tính đến thời điểm hiện tại thì tôi làm việc ở đây cũng gần 3 năm, chủ yếu là quản lý các trang thương mại điện tử từ 2B đến 2C, công ty nhỏ nên cũng kiêm luôn việc dịch trao đổi với nhân viên của xưởng và các việc vặt khác, nên trong suốt năm đầu làm thêm vì khoảng cách giữa trường học và công ty, tôi đa phần làm ở nhà, mọi thứ chỉ cần sếp lên hệ thống kiểm tra thì sẽ biết hết. Lúc này thì mọi chuyện khá ổn, tôi có một công việc với thu nhập cao hơn mặt bằng chung và tự chủ về thời gian.

Tôi học vượt 1 năm nên dành chọn năm cuối cho kỳ thực tập. Tôi bắt đầu làm như giờ hành chính, đồng nghĩa với việc mỗi ngày tôi sẽ gặp họ 8 tiếng, ăn chung bữa cơm trưa. Và dần dần mọi thứ bắt đầu được mở ra. Tôi kể không phải để nói xấu công ty, tôi kể chỉ để các bạn biết là thời gian tôi sinh hoạt cùng họ gần như là một thành viên trong gia đình và trải nghiệm những va chạm thực tế như cuộc sống chứ không phải lãng mạn như phim thần tượng Đài Loan, để các nam thanh nữ tú hãy thôi mơ mộng kiếm một anh chồng hay cô vợ Đài Loan. Tôi biết không ít người có suy nghĩ như vậy cho đơn giản hoá con đường đi của mình, nhưng bất đồng văn hoá và kì thị ngầm ở Đài là điều không thể xem nhẹ nếu bạn thật sự quý trọng cuộc đời của mình. Nếu đã quý cuộc đời của mình thì cứ cố gắng làm việc và sống tự nhiên chứ đừng vì điều gì mà hi sinh hay đổi trác. 

Gia đình sếp tôi là nhị gia tiêu chuẩn có công ty nhà đẹp xe sang, là cổ đông ở một công ty lớn khác, và theo như lời họ tự nhận xét về mình thì họ rất biết cư xử và có khí chất, là người hiểu chuyện và không phô trương. Đó là cái “ Khuôn ” mà xã hội Đài đặt ra cho những hình mẫu được cho là “thành người, thành tài”, để không bị nhận xét là nhiều tiền nhưng không nhiều về nội dung, để luôn được mang cái mác là thân thiện và khiêm tốn.

Tôi nhớ khi mới những ngày đầu tôi làm full-time, những bữa cơm đầu tiên khi ngồi cùng bàn, cảm giác lúc đó như thể bạn là một nàng dâu nhỏ trong gia đình. Mọi người luôn kêu bạn ăn đi, hãy ăn nhiều vào, bồi thêm đó là các câu hỏi: “ Chắc mày chưa được ăn qua cái này, ở Việt Nam chắc không có, thậm chí chỉ quả cóc quả bưởi họ cũng sẽ hỏi chắc mày không biết ăn cái này”. Tôi thừa nhận tôi là một người rất để tâm lời nói, nên những câu nói vô duyên như vậy tôi rất ghét. Nhưng tôi là nhân viên, thời điểm đó tôi cũng không dễ dàng tìm một công việc tốt hơn, vì còn kẹt việc học, nên tôi nhịn và tiếp tục công việc. Thậm chí, việc bạn ăn uống như thế nào cũng sẽ bị soi mói triệt để, tôi không phải là người kén ăn chỉ là tôi ăn ít và thích ăn rau củ hơn thịt. Ngày xưa tôi toàn ăn sáng và ăn trưa chung, đến khi tôi đi làm mới tập ăn sáng thì lượng ăn trưa của tôi rất ít, và tôi cũng không muốn nói chuyện nhiều với họ nên không bao giờ ăn quá 10 phút cả, vì tôi ăn ít và ăn nhanh thì gia đình họ nói tiếng Đài với nhau” tại đồ ăn không ngon đó, nên nó không ăn” câu này là những từ thường ngày nên tôi vẫn nghe hiểu, tôi cũng làm như không nghe và vẫn đứng lên rời bàn ăn. Trên bàn cơm này thì còn nhiều chuyện lắm, có lần ông thị trưởng Cao Hùng ra tranh cử, tôi nhìn cách tranh cử chợ búa rồi lôi vợ và con gái lên TV tôi đã không ưa rồi, lúc đó gia đình họ cứ quay qua nói với tôi, “con gái ông thị trưởng có khi chất ghê, trẻ vậy mà có khí chất quá”, tôi thẳng tính nên cũng trả lời “Lên TV mà không khí chất dám cho lên hả, không có cũng phải diễn cho có”. Thế rồi cả nhà họ dập tôi “nhưng mà trẻ như vậy nhìn là biết 修養的很不錯. Tôi kể sơ đoạn này để các bạn thấy người Đài luôn rất chú trọng cái gọi là 氣質,修養, nếu bạn muốn sống êm đẹp với họ thì hãy rằng bạn có thể đeo cái mặt nạ giả tạo ấy và sống hết đời.

Sau câu chuyện ăn trưa là chuyện ngủ trưa, đây cũng là nơi tôi liên tục bị ăn đạn. Mới vào làm thì tôi cũng ý tứ, nghỉ trưa thì ngồi ở chỗ làm việc của tôi thôi, nhưng em gái sếp tự nói với tôi ra sofa nằm nghỉ đi, ngủ cho khoẻ, mọi người chia nhau ra mỗi người một góc, chuyện sẽ chẳng có gì nếu như sau 2 năm cô em sếp không lật kèo 洗臉 tôi trước mặt thiên hạ. Công ty thường hay có khách đến vào buổi trưa, em sếp, mẹ sếp có thể vào phòng nghỉ ngơi không bị ảnh hưởng gì nhưng tôi luôn là đứa phải nhanh nhanh lật đật ngồi dậy về bàn làm việc, tôi cũng chưa bao giờ than phiền về chuyện đó, ấy vậy mà một ngày đầu tháng 3, tôi ăn xong đi ra ghế sofa vừa nằm xuống thì em sếp nói thẳng vào mặt tôi: “mày mặc quần đùi đừng có nằm như vậy”. Tôi bị đơ 5s, hôm đó tôi mặc quần qua đầu gối và tôi cũng có thói quen lấy áo khoác làm mền, tôi cũng trả lời: “quần này có vấn đề gì?” rồi em sếp chắc thấy là quần dài nên đổi lại nói tôi: “khách mấy lần tới buổi trưa thấy mày nằm, hỏi tụi tao sao công ty mày lại cho nhân viên nằm trên sofa như vậy?“. Tôi không hiểu, khách thôi là mẹ thiên hạ sao? Và đây là “sự tích cái quần” đóng góp một phần không nhỏ vào quyết định nghỉ việc mà tôi ấp ủ bấy lâu nay, tôi gửi mail thôi việc ngay trong ngày luôn. Đó là tôi còn chưa kể đến hằng hà sa số lần hết sếp, mẹ sếp, em sếp hay khách hàng gặp tôi đều hỏi “mày có người yêu chưa, sao không kiếm một thằng Đài Loan, trai Đài tốt lắm, kiếm một thằng lấy đi…..” bộ nhìn mặt tôi thèm trai Đài lắm sao!? Đã ái kỷ về bản thân lại còn rất nặng thành thích, mọi người theo dõi page thì biết chị em tôi không học trường top cao, có một lần mẹ sếp ngồi hỏi chuyện tôi học hành gì đó, rồi bả ban cho tôi một câu xanh rờn “ mai mốt mày về Việt Nam mày nói mày học 台大 cho sang, ở Việt Nam ai biết mày học trường nào đâu”. Không lẽ tôi lại trả lời quê tôi người ta cũng có biết cái 台大 của Đài Loan là gì đâu. Nói thẳng thì khó nghe chứ việc du học Đài Loan trong mắt dân quê tôi cũng không đáng giá xu nào. Bạn biết tôi sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai không!? Là xứ Việt Kiều. Bạn bè cùng trang lứa với tôi tốt nghiệp xong là đi Mỹ, Úc, Châu Âu. Đối với dân trong Đông Nam Bộ nói riêng, đi mấy nước đó mới là du học. Ngày chị em tôi lặng lẽ đi du học, người ta xúm vào nói chúng tôi đi lấy chồng Đài Loan. Bởi vậy, hình ảnh Đài Loan trong mắt quê tôi là gắn liền với những cuộc hôn phối bất đặc dĩ chứ không phải khái niệm “Thiên Long Quốc” gây cho người ta trầm trồ khen ngợi. Nên tôi nói thẳng chắc họ cũng không chịu hiểu hoặc không chấp nhận để hiểu.

Việc tôi học trường nào, ở đâu chúng tôi đều có chiến lược từ trước. Gia đình tôi không khá giả, cha mất lúc tôi 9 tuổi, mẹ tôi ôm mảnh vườn nhỏ làm quanh năm không có thu nhập gì. Phải đợi đến khi hai chị em tôi đều đi làm, lo được phần nào cho gia đình, có chút ít tích góp riêng tôi mới dám nghĩ đến chuyện du học. Chúng tôi bước ra đi với mục tiêu tiêu tốn ít chi phí nhất nhưng lại có cơ hội “ định cư” cao nhất chứ không phải chỉ để học tập. Ngày đó, tôi nhận được offers của ba bốn trường gì đó, những trường còn lại đều tốt hơn trường tôi chọn. Nhưng quay về mục đích ban đầu, tôi chọn trường gần nhà, sống chung với chị gái lớn để tiết kiệm chi phí phát sinh, học bổng nhiều, chương trình học không quá nặng để tôi đi làm, học vượt, tốt nghiệp đi làm sớm, mua nhà và lấy giấy tờ định cư. Đó là con đường đi mà cả ba chị em tôi đều nắm tay đi cùng nhau và đến bây giờ kế hoạch đó vẫn đang thực hiện trôi chảy. Nhưng vấn đề lớn nhất tôi kể ra ở đây là tôi không có trách nhiệm gì để giải thích với bà ấy chuyện tôi chọn trường hay chọn con đường đời của mình như thế nào. Và người tự cho mình có khí chất thì nên hiểu một điều; năng lực và phẩm chất con người không phải được đánh giá qua việc bạn học trường top hay không. Tôi rất ngưỡng mộ những bạn học giỏi, học trường điểm, nhưng tôi cũng không tự hạ thấp mình vì mình học trường Ranking thấp hơn.

Nói chung thì ngoài những chuyện lặt vặt này thì nguyên nhân chính mà tôi nghỉ việc là phúc lợi công ty không phù hơp. Nói ra thì họ cho là tôi 俗氣, nhưng từ khi tôi bắt đầu ra đời đi làm dù ở Việt Nam hay Đài Loan thì cái tôi quan tâm luôn là tiền lương và phúc lợi. Khi không đáp ứng được yêu cầu của nhau thì chia tay thôi. Tôi nhớ hồi năm 3, trong khoa có một buổi thuyết trình về việc cần chuẩn bị cho thực tập năm cuối, trưởng khoa tôi và các nhà tuyển dụng luôn cố gắng tẩy não tất cả sinh viên, đi làm đừng đòi hỏi tiền lương, đi phỏng vấn đừng cố gắng hỏi lương bổng, cả như bữa ăn mà sếp mời khi tôi nộp đơn nghỉ việc cũng là móc họng tôi “thường tao thấy học sinh sau khi tốt nghiệp phải làm 1, 2 năm học hỏi kinh nghiệm, rồi sau này có đi đâu làm, kiếm công việc lương cao hơn thì mới đúng”. Xin lỗi sếp, tôi đi làm nhiều hơn mấy lần cái 1, 2 năm mà sếp nói rồi, mà tôi cũng là đứa chỉ đi làm để kiếm tiền chứ không phải để vui. Tôi thật sự đau não khi nói chuyện với sếp, sau bữa ăn hơn 5 tiếng thì cuối cùng chả có trọng tâm gì cả. Cuộc nói chuyện lại chỉ toàn xoay quanh chủ đề tình yêu trai gái, những mối tình trước đây của sếp, tại sao bị phản bội, thất tình như nào, những năm qua sống ra sao hay gu của tôi như thế nào, tại sao tôi lại không yêu đương, có dự định gì trong tương lai. Nào là nghỉ việc rồi thì làm bạn, sau này có cơ hội sẽ mời tôi về làm lại, hay rãnh rỗi sếp sẽ đánh xe sang mời đi cà phê tâm sự hay đi xem phim, nghe thôi là thấy hãi rồi, ngày mới vào làm tôi đi ăn có 1 lần McDonald chung mà khi về tôi đã chửi cha chửi mẹ với bà Sò hết mấy ngày vì những câu nói vô duyên của sếp, nên thôi chuyện tình 3 năm kết thúc một cách chậm rãi ở đây là được.

Không phải chỉ một trường hợp này mà tôi có cái nhìn ác cảm với người Đài, mà là trong nhiều năm học và làm việc nơi đây, tôi nhận ra rằng “người Đài chưa bao giờ nằm trong sự lựa chọn phù hợp về hôn nhân cho tôi”. Tôi không thích sự soi mói, giả tạo và cả cái tính keo kiệt trong văn hoá gia đình của họ, nên các bạn đừng ai hỏi tôi những câu hỏi như vậy nữa, vì tôi không có câu trả lời. Những ai may mắn gặp được người phù hợp thì tôi chúc mừng, chứ tôi nghiệp nặng nên mãi vẫn không gặp ai.

Tôi hi vọng những chia sẻ này có thể giúp bạn hấp thụ được ít nhiều văn hoá của các công ty nhỏ, công ty gia đình ở Đài Loan. Dĩ nhiên là tôi không ở thành phố lớn nên cách làm hay văn hoá của các công ty lớn sẽ có khác ít nhiều, nhưng căn cơ, nguồn gốc của văn hoá công ty ở Đài vẫn là “Vương Triều Gia Tộc”, bà Sò nhà tôi làm ở Đài Trung, một công ty gia đình cỡ lớn, cả bao nhiêu dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc và Đông Nam Á, nhưng Chủ Tịch công ty vẫn sẽ kiểm tra nhân viên kinh doanh có chơi điện thoại trong giờ làm việc hay không!? Nói chung cách quản lý cổ hũ và nô lệ đã ăn sâu vào văn hoá làm việc ở đây, nếu bạn đã có ý định sinh sống và lập nghiệp tại Đài Loan thì hãy luôn có sự chuẩn bị về vật chất cũng như tinh thần để chống chọi với cú sốc văn hoá này.

Bình luận về bài viết này