Du Học Du Lịch Đài Loan Taiwan Đời Sống

| NGHÌN LẺ MỘT THỨ VỀ ĐỜI SỐNG & VĂN HOÁ ĐÀI LOAN TỪ GÓC NHÌN CỦA SOLISE (PHẦN 1) |

1. ĐÀI LOAN AN TOÀN Ở MỨC ĐỘ NÀO?

Điều này rất nhiều người khen nức khen nở về Đài Loan rồi nên tôi cũng không dài dòng lôi thôi. Các loại Ranking thì mỗi báo một kiểu và chỉ mang tính tham khảo nên tôi sẽ viết về kinh nghiệm của bản thân mình. Tôi lần đầu đến Đài còn chưa chịu bỏ thói quen khoá nón bảo hiểm trong cốp xe như hồi ở Việt Nam (sợ mất nón), sau 6 năm sinh sống ở đây, tôi bị hình thành một thói quen xấu, mỗi lần tôi đi xa vài ngày để xe máy ở trạm xe lửa (bãi xe miễn phí, không có người trông coi, không phiếu không thẻ gì hết), có lần tôi còn quên cả chìa khoá xe trên đó, nhưng tôi chưa bao giờ mất xe máy nhé. Bạn tôi ở Trung Quốc có lần qua chơi, đi Taxi quên hành lý trên đó thế là khóc bù lu bù loa, chúng tôi đến báo án ở trạm công an gần nhất, sau nửa ngày thì công an điện thoại báo tài xế Taxi đã đem hành lý bạn tôi ra trạm với hi vọng tìm được chủ nhân. Thế đây, dĩ nhiên tội phạm ở Đài Loan vẫn tồn tại nhé, kể cả sát nhân biến thái như vụ giết người hàng loạt ở trạm tàu nhưng sự thật là tỉ lệ rất thấp và chỉ cần xảy ra thì họ sẽ tìm cách giáo dục tư tưởng để hạn chế những tiêu cực tương tự xảy ra trong tương lai. Còn làm cả phim đồ, sâu sắc lắm ạ. Tôi cũng hay review lắm. Thích thì bạn có thể vào blog xem. 

Mọi thứ ở đây đều được quản lý bằng luật, quên chuyện lách luật như ở Việt Nam đi. Cứ sai thì còng lưng chịu phạt. 

2. Y TẾ ĐÀI LOAN

Y tế Đài Loan cũng không bàn nhiều, tôi nói với con em hay có bệnh vặt, cứ rảnh là đi khám bệnh cho vui, cần mổ thì mổ, cần chữa thì chữa. Vì dịch vụ y tế quá tốt và nếu có đóng bảo hiểm y tế đàng hoàng thì cơ bản chữa bệnh không tốn kém gì mấy. Tôi từng khám ở một bệnh viện quốc tế ở Việt Nam, dịch vụ y tế công cộng bên đây có thể so sánh ngang tầm với y tế quốc tế ở Việt Nam trong khi chi phí thì rẻ hơn rất nhiều nhé. Lưu ý, nếu có bệnh không nhẹ thì nên tìm hiểu về bác sĩ trước bằng cách tra thông tin trên mạng (thông thường tôi sẽ chọn trưởng khoa, hơi khó hẹn và khá chảnh), sau đó lấy số khám thẳng với người đó. Như vậy sẽ tiết kiệm thời gian và hiểu quả hơn. Còn ba cái bệnh tàm xàm, hắt hơi thì cứ bốc số đại thôi. Dịch vụ lấy số online rất tiện, cứ lên mạng đăng kí trước một ngày, chọn bác sĩ rồi lấy số, đúng giờ đến gặp bác sĩ thôi. 

Chú ý: Đã lấy số dù là lấy trên mạng hay điện thoại hẹn thì cũng phải đến khám, nếu không đến thì điện thoại huỷ cuộc hẹn chứ đừng quen thói ở Việt Nam, không đến mà cũng không báo, cứ lặn mất tăm. Nếu bạn huỷ hẹn không báo nhiều lần thì cái thẻ bảo hiểm của bạn sẽ có phiếu xấu đấy, có khi sau này còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống của bạn ở Đài, hoặc ít nhất bạn sẽ bị khoá chức năng đặt cuộc hẹn trực tuyến. 

3. GIÁO DỤC ĐÀI LOAN

Giáo dục Đài Loan nhìn mặt bằng chung của Châu Á là khá tốt. Đặc biệt học bổng dành cho sinh viên quốc tế rất nhiều. Thế nhưng có một sự mâu thuẫn nhẹ ở đây nhé, theo tôi biết sau khi tiếp xúc với giáo sư, nhà trường, công ty rồi thường dân các loại, thì đa phần mọi người Đài cho rằng nền giáo dục Đài Loan khá đắt đỏ đối với con cái của họ nhưng lại miễn phí cho con em nước ngoài, họ không vui vì điều này đâu nhé. Đừng tưởng mình có học bổng nên tự hào mà cứ khoe khoe ta đây giỏi, nó ghét ngầm cho. 

Còn vì sao Đài Loan ngoài học bổng chính phủ thì các trường cấp học bổng cấp trường cho sinh viên quốc tế rất nhiều là vì cơ chế giáo dục và chính sách lâu dài của họ nhé. Thứ nhất, họ muốn quốc tế hoá đất nước vì Đài Loan khá khép kín ở mạng giao lưu văn hoá xã hội. Thứ hai, hằng năm bộ giáo dục sẽ cấp ngân sách cho các trường theo lượng sinh viên quốc tế mà trường đó tuyển sinh được, vậy thì nhà trường muốn ôm những khoản tiền đó thì phải đẩy mạnh chiêu sinh, chung quy là muốn quốc tế hoá thôi. Thứ ba, vì để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai rất gần. Nhưng lạ nha, người Đài họ biết quốc tế hoá là cần thiết nhưng lại không thích có nhiều dân nhập cư, họ kì thị dân nhập cư và cho rằng bất ổn xã hội sẽ xuất phát từ đó. Vậy mà khi họ nhìn vào sự phát triển đa dạng, đa nhân tố, đa màu sắc chủng tộc như Hồng Kong và Singapore họ lại thèm muốn. 

Còn một mâu thuẫn khác không hề nhẹ là việc họ đối mặt với nạn thiếu hụt nhân lực ở đây, Đài Loan dùng chính sách giáo dục để giải quyết vấn đề này, tôi thấy rất hay và đáng học hỏi. Đài Loan là một đất nước công nghiệp hoá, nền kinh tế của đất nước này dựa vào gia công là chủ yếu vì vậy họ cần rất nhiều nhân công, từ nhân công công xưởng cho đến văn phòng xưởng. Nhưng thanh thiếu niên người Đài bây giờ không chịu được vất vả như thế hệ trước rồi, họ không muốn làm những công việc lao động chân tay như thế, vì vậy các ông chủ phải thuê nhân công nước ngoài, thậm chí các công việc văn phòng nhưng phải gắn kết trực tiếp với xưởng cũng ế ẩm vô cùng. Do đó, hệ vừa học vừa làm mới ra đời. Mục đích là để bù đắp cho lượng cán bộ xưởng đang và sẽ rất thiếu trong tương lai. Bản thân tôi là người học cao học chính quy ra nhé, nhưng tôi chưa bao giờ tẩy chay hệ vừa học vừa làm, tôi không cho đó là lừa đảo hay xklđ trá hình gì hết. Với các bạn có background tốt, có tiếng anh, tiếng hoa, có học đủ lực ổn để xin học bổng, có tự dành được tiền để sống sót nếu gặp bất trắc (hoặc sẽ có gia đình hậu thuẫn) thì tất nhiên cứ tự tin mà học chính quy, tự túc này nọ. Nhưng các bạn có biết ở các vùng nông thôn có biết bao nhiêu đứa trẻ mơ ước được đi xuất ngoại, được đi du học nhưng cha mẹ làm nông, nuôi được con học hết cấp ba đã rất vất vả. Các em ở đó, người có tiền thì cho con đi học thêm ngoại ngữ ở thành thị, nhiều khi tiền ăn tiền ở còn đắt hơn tiền học, còn các em gia đình đủ ăn đủ sống, đông anh em thì có đâu cơ hội biết tiếng anh nói nguyên câu là như thế nào. 

Thế đấy, vừa học vừa làm cho các em một chân trời mới, tôi phải nói như vậy và tôi rất cám ơn chính phủ Đài Loan đã mở cửa giáo dục một cách khoan hồng như vậy. Họ cần người lao động, còn mình cần một bến đỗ cho tương lai, WIN WIN SITUATION. Hệ vừa học vừa làm chỉ có phù hợp hay không phù hợp chứ không có đúng hay sai. Tất nhiên, từ khi đưa hệ này vào thì có một số trường quản lí không chặt, vô trách nhiệm để các em bị bốc lột. Nhưng sự thật đó chỉ là số ít thôi, đó là những trường hợp tôi gọi là không may mắn. Nói đi thì phải nói lại, các em ở Việt Nam đi làm cũng bị tăng ca không trả lương như thường thôi, bản thân tôi cũng từng bị rất nhiều rồi. Con người chỉ trưởng thành trong trắc trở, và khôn ra khi bị lừa, tôi cảm thấy đời người ai cũng phải không may mắn vài lần để lớn lên. Đó là cuộc đời mà. Cho nên hệ VHVL cơ bản là không phải một thứ gì sai trái, sai ở chỗ người ta lợi dụng nó để trục lợi.

Xóm quê của tôi ấy, hàng năm có cả trăm em đi theo diện này, được bước ra ngoài học tập, được học ngôn ngữ, học cách sống tự lập, có nhiều em giỏi quản lý tài chính thậm chí còn dư cả tiền gửi về cho ông bà nội, cha mẹ làm quà, chia sẻ gánh nặng kinh tế. Mỗi lần gặp tôi cũng hay quan tâm và hỏi về cuộc sống VHVL có tốt không? Dĩ nhiên là vất vả hơn bọn trẻ được cha mẹ cho tiền đi Sài Gòn học Đại Học rồi. Tôi hỏi các em có hối hận khi chọn hệ VHVL không? Không một em nói hối hận, có đứa em thân nhất nó còn bảo với tôi nó hối hận vì đã không đi sớm hơn. Có một trường hợp quanh tôi bỏ học vì chịu không được sự vất vả và áp lực của hệ VHVL, tôi biết đứa trẻ này gia đình rất khá, có thể nói là đại gia ngầm, cho nên tôi nghĩ em hãy cứ về và học cho giỏi rồi đi du học tự túc. Cho nên tôi mới nói, VHVL là một chân trời mới cho những người thực sự phù hợp và chấp nhận đánh đổi vì nó. Bạn đừng mắng tôi là tại sao phải đánh đổi nhé, tôi biết ở Việt Nam học cũng rất tốt nhưng vấn đề là học ở thành thị cha mẹ phải chu cấp từ đầu đến cuối, em nào giỏi cày, vừa học vừa làm được tôi gọi là sự phụ luôn vì cơ hội công việc cho sinh viên ở Việt Nam thực sự không nhiều, trong khi chương trình học nặng, điểm thì không dễ mà có được điểm cao để giành học bổng. Sống sót được cũng thành tinh luôn rồi. Hơn nữa với một số người được đi và trải nghiệm là một điều thiêng liêng, đừng hỏi vì sao em nhất định phải đi.

————————————————

CÒN NHIỀU LẮM, KHI ĐƯỢC RẢNH SẼ KỂ TIẾP!

————————————————

Để hiểu sâu sắc hơn về các khía cạnh tốt và cả không tốt của Đài Loan, các bạn có thể tham gia nhóm Đài Loan & Những Chia Sẻ Về Cuộc Sống (Link: http://bit.ly/33PPBfZ)

Nhắc nhẹ: Đêm hôm viết què cả tay, rảnh tay share từ thiện dùm nha thiên hạ. 

Photo: Freepik

Bình luận về bài viết này