Đài Loan Taiwan Đời Sống

NGHÌN LẺ MỘT THỨ VỀ ĐỜI SỐNG & VĂN HOÁ ĐÀI LOAN TỪ GÓC NHÌN CỦA SOLISE (PHẦN 3)

6. GIÁO DỤC CON CÁI

Con cái Đài được định hướng giáo dục theo Chủ Nghĩa Cá Nhân (CNCN) rất cao. Điểm này thì họ giống nước Mỹ, nhưng bản thể CNCN của Đài vẫn mang một phần của các quy phạm xã hội văn hoá người Á Đông, nói cách khác là vẫn còn bị văn hoá Á Đông ràng buộc. Một đứa trẻ được giáo dục trong môi trường CNCN cao thì khả năng độc lập và sáng tạo của chúng cũng rất cao. Tôi gọi nó là một kiểu nuôi dưỡng và phát triển “bản ngã”. Với cách làm nay người Mỹ luôn có nhiều phát minh sáng giá cho nhân loại và những phát minh này dù có sự hỗ trợ nhất định nhưng nó vẫn là xuất phát từ một cá tính mạnh mẽ và tài giỏi nào đó. Tương tự, người Đài dân số không đông như các nước Châu Á khác nhưng những cống hiến trong các lĩnh vực khoa học kĩ thuật, nghệ thuật, thể thao… luôn luôn được mọi người công nhận, nói cách khác, họ có những cá thể vượt trội vì được đầu tư đầy đủ từ rất sớm. Đây cũng là tiền đề tạo nên sự khác biệt lớn với các nước đề cao Chủ Nghĩa Tập Thể, cụ thể như nước mình, khi mà trẻ con được giáo dục phải kìm hãm cái tôi cá nhân lại, không nên thể hiện quá gay gắt sẽ trở nên lập dị trong một cộng đồng người nhất định, lâu ngày thì sự sáng tạo, tự tin chết dần chết mòn. Một ví dụ đơn giản như tôi đây, thường xuyên bị người khác đánh giá là hiếu chiến, kiêu và không khiêm tốn. Trong văn hoá Việt Nam, có lẽ người ta không thích nhiều hơn thích, nhưng với bạn bè tư duy phóng khoáng hơn, họ chỉ thấy à thì ra đó là cá tính của bạn. Ban đầu tôi cứ nghĩ sang một đất nước tư do hơn thì mình sẽ tự tin làm chính mình hơn, nhưng hoá ra những ràng buộc hình mẫu ở Đài dành cho phụ nữ thật sự còn khắt khe hơn Việt Nam, đặc biệt khi bạn là một người cô gái gốc Việt.

Thế nhưng, Đài có những cá thể vượt trội không đồng nghĩa với việc tất cả trẻ em đều theo hình mẫu đó, tôi thấy thậm chí chúng bị phân cực. Nếu dùng một từ để miêu tả những đứa trẻ còn lại, tôi dùng từ 脆弱, tức là mong manh. Như tôi phân tích ở trên, ở những nơi mà CNCN đã trưởng thành và ăn vào máu thịt con người, người ta cứ là chính mình, họ được giáo dục để được là chính mình thì phải độc lập. Nhưng ở Đài Loan (ngoại trừ những cá thể nổi bật vì có điều kiện phát triển, định hướng gia đình tốt từ sớm, hoặc thậm chí là khả năng thiên bẩm) thì có những cá thể chủ nghĩa cá nhân cao nhưng lại không độc lập. Tức là xã hội và môi trường cho phép mọi người được là chính mình, có quyền lợi nhiều nhưng lại làm họ quên mất nghĩa vụ và sự cảm thông cần thiết trong cộng đồng. Điều này thể hiện rất rõ trong bối cảnh bảo hiểm y tế (健保) của Đài Loan tốt đến nỗi làm cho những người dân có thái độ và yêu cầu không biết đâu là giới hạn, trong khi những người làm công tác y tế thì ngày càng mệt mỏi và bất mãn.

Ở Đài Loan, không hề thiếu những đứa trẻ được tự do, được tôn trọng quá mức nhưng bản thân lại không thể là một cá thể vượt trội vì thiếu tính độc lập. Chúng được chăm sóc tốt, được lựa chọn và được cả ỷ lại. Người ta đôi khi hiểu sai ý nghĩa vốn có của Chủ Nghĩa Cá Nhân nên khi vận dụng vào giáo dục, nó trở nên lệch lạc.

Chủ Nghĩa Cá Nhân ở Đài vẫn trộn lẫn những tàn tích truyền thống của người Hoa, chăm sóc con cái tốt vô điều kiện, vô thời hạn, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ sinh thấp. Trung bình một đứa trẻ sinh ra ở đây được ít nhất 4 người yêu thương. Chúng được cung cấp những thứ tốt nhất về vật chất, được cha mẹ và những người xung quanh quan tâm về mặt tâm lý. Dùng yêu thương để cảm hoá thay vì dùng bạo lực và sự nghiêm khắc, giáo dục nói không với hình phạt và kỉ luật. Vì vậy, vế đầu thành lập, tức là bản ngã được nuôi dưỡng và tự do phát triển trong điều kiện tốt nhất, thế nhưng nó trở nên lệch lạc vì thiếu đi sự hình thành của tính độc lập (độc lập trong cuộc sống và suy nghĩ) ở vế sau. Tôi không phê bình mà chỉ phân tích những gì tôi thấy, cũng như những đứa trẻ tôi từng tiếp xúc, chúng có khả năng chịu áp lực thấp, không biết tự nấu ăn, chăm sóc cho mình, không có nghĩa vụ phải chăm sóc người khác, cũng không dám đương đầu với những thử thách và thay đổi lớn, thiếu đi lòng trắc ẩn và không ngừng yêu cầu nhận từ gia đình và xã hội.

Giáo dục được khoác lên mình chiếc vỏ hiện đại và văn minh nhưng vẫn tồn tại lỗ hổng của thời kì quá độ. Trẻ con được giáo dục lễ phép, hoà đồng để con trai trở nên “tử tế”, con gái trở nên “tiên khí” theo tiêu chuẩn của Chân-Thiện-Mỹ. Vẫn còn đó những hình mẫu mà truyền thống và lối sống xưa quy định. Nếu bạn tìm hiểu về sự Friendliness (sự thân thiện) của người Đài, không một ai là không thừa nhận độ lịch sự và hiếu khách của họ. Họ luôn xuất hiện như thế vì sự ràng buộc của xã hội, vì đó là hình ảnh đất nước và văn hoá mà người Đài muốn dùng để khẳng định vị thế mình là một đất nước độc lập và có văn hoá, lối sống riêng. Nhưng tất cả họ có thật sự happy (hạnh phúc) hay không thì tôi trả lời là có lúc có có lúc không. Khi mọi người khen ngợi Đài Loan rất tốt, rất thân thiện, họ sẽ vui vì họ phấn đấu vì điều đó, nhưng họ sẽ không vui vì rất nhiều lúc phải tỏ ra thân thiện thậm chí trong tâm thế họ không muốn. Đây là một sự mâu thuẫn trong giáo dục của Đài Loan, xã hội muốn trẻ con được phát triển theo hướng cá nhân hóa để nổi bật hơn tất cả những đứa trẻ khác nhưng những khuôn mẫu lại làm chúng ngột ngạt trong lồng kính “being nice, being friendly”, để rồi khi ra xã hội chúng là những hình mẫu lý tưởng của thân thiện, khí chất nhưng về đến nhà gỡ mặt nạ ra, trở thành người ích kỷ điển hình, trút hết áp lực, giận dữ hoặc đơn giản chỉ là lạnh nhạt vào người thân, cha mẹ và những người yêu thương mình. Nếu bạn muốn biết rõ hơn những điều tôi nói, hãy xem bộ phim “Nhật Ký Đào Tạo Tục Nữ”, đây là một bộ phim đáng xem để hiểu về phụ nữ Đài Loan. Còn nếu bạn thích có cái nhìn khách quan hơn về giáo dục tâm lý con cái thì On Children, A Sun, Dear Ex, The World Between Us…đều là những bộ phim hay và sâu sắc về các vấn đề còn mắc kẹt trong giáo dục ở đất nước này.

Muốn giữ những giá trị truyền thống, giữ khuôn mẫu truyền thống nhưng lại muốn có tư duy phương Tây? Vậy cách làm nào là thích hợp cho giáo dục con cái ở Đài Loan? Đây vẫn là một vấn đề lớn trong xã hội Đài, những năm nay Đài Loan đang tích cực tuyên truyền giáo dục tâm lý/giáo dục yêu thương, nhưng theo tôi thấy nó vẫn có vô số các lỗ hổng sẽ ảnh hưởng tiêu cực cho thế hệ sau…Với tôi, giáo dục không có đúng sai, chỉ có phù hợp hay không trong bối cảnh cụ thể. Tôi nghĩ một đất nước tự do, phải là sự tự do cả trong tâm hồn. Tôi tin phải là chính mình mới hạnh phúc, để hạnh phúc, trước tiên hãy thẳng thắn với bản thân.

7. LỐI SỐNG ĐÀI LOAN

Lối sống ở đây khá chill (nhẹ nhàng), bạn nào hay đọc bài viết của tôi thì biết Đài Loan không phải một đất nước sống vội. Thậm chí là chính người Đài họ cho rằng những thành phố lớn như Đài Bắc sống vội lắm nhưng khi đến sống ở Việt Nam một khoảng thời gian thì họ phải thừa nhận hai thành phố lớn của Việt Nam thật sự rất vội vàng. Còn vùng quê xứ Đài thì ôi thôi, chậm đến phát ngán, cái gì cũng từ từ, suy nghĩ kĩ lắm. Nhưng có một thứ họ vội hơn mình: đó là trong công việc hay nói chính xác hơn là trong sản xuất. Điều này rất dễ giải thích tại sao mấy anh Đài Thương qua Việt Nam đầu tư lúc nào cũng phàn nàn về năng suất làm việc của người Việt thấp hơn. Tôi đã đi làm ở cả hai đất nước, tôi đồng ý và điều này và tôi giải thích nó như sau:

(1) Đài Loan xuất phát là một nền công nghiệp hoàn chỉnh khá sớm, lối sống công nghiệp hoá, nhanh gọn lẹ, chạy đua với từng phút giây để ra sản lượng trong khi Việt Nam mình là đất nước nông nghiệp các bạn ạ, mình làm gì cũng ở trạng thái nhàn nhàn, rảnh thì làm, mệt thì nghỉ. Lối sống công nghiệp của Đài Loan thể hiện qua nhiều thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống lắm. Như là họ rất ít quán cà phê có thể ngồi la cà, thay vào đó hình thức Take Away thì đi đâu cũng có, trong vòng một con đường có khi san sát cả chục căn tiệm 搖搖飲料. Thức ăn sáng của họ đơn giản không tưởng nha, bánh mì, sandwiches, hamburgers, bánh trứng chiên, mì xào cực đơn giản và cực nhanh. Còn người Việt mình ăn cháo, ăn phở, ăn bún tàn tàn, còn ngắt rau bỏ vào tô, thêm gia vị này nọ kia. Ở đây không có kiểu đó. Đài Loan nổi tiếng ăn vặt ngon ai cũng biết nhưng nếu các bạn để ý các món của họ nấu dựa trên nguyên tắc phải chế biến đơn giản là tiên quyết, sản lượng ra được nhanh và nhiều là thứ hai. Các món ở chợ đêm bán sẽ thấy toàn những thứ làm sẵn, không thì chiên, xào, luộc trong vòng vài phút là có thể ăn rồi. Nghĩ lại bữa ăn của mình ấy, phức tạp vô cùng, gia vị nhiều, rau thơm cũng nhiều, nước lèo nấu kì công thì thôi, gỏi cuốn cũng phức tạp hơn người ta. Có lần tôi nói đùa với gia đình, sau này già tôi ra chợ đêm bán đồ ăn Việt Nam, anh rể tôi cười vào mặt nói: bán đồ ăn Việt Nam của tụi bay chắc bán tới thiên thu mới giàu, chế biến kì công, trừ đi phí nhân công đã thấy không lời rồi, ngày định bán mấy tô? Câu chuyện kết thúc như vậy đó!

(2) Người Việt lanh hồi nào giờ rồi, nói trực tiếp hơn là khôn lỏi nên rất biết cách điều chỉnh sức lực. Lối tư duy lãnh bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu việc thôi hoặc phải làm ít hơn mới chịu đã ăn sâu vào máu rồi, còn không thì thích mặc cả, thêm việc thì phải thêm tiền, trong khi người Đài họ thật thà và cống hiến trong công việc lắm nhé. Họ làm như cái máy không hơn không kém. Ông chủ cứ bảo sao là làm y như vậy không cần biết đúng sai, không biết suy nghĩ cách làm sao cho hiểu quả hơn và cực kì sợ chủ. Điều này thì khác xa người Việt mình, mình thì là nể chủ, chứ không phải sợ, quá quắt quá là mình thẳng thắn đòi hỏi và phản biện. Vì vậy mà trong mắt họ, công nhân Việt không ngoan, khó dạy bảo, nói chứ các ông chủ đã quen với kiểu robot của họ rồi. Có lần tôi với bạn mình cũng bàn về vấn đề này, bạn tôi bảo người Đài “奴性很高” (tính nô lệ rất cao), nên họ rất phù hợp với những công việc rập khuôn, họ nhát và sợ tranh cãi, đặc biệt với ông chủ và công ty. Họ cũng sợ thay đổi vì sự thay đổi đem theo nguy cơ thất nghiệp. Phong cách làm việc này chắc nghe tôi kể bạn cũng thấy có phần giống Nhật Bản, và sự thật theo tôi thấy là nó đúng là bị ảnh hưởng từ những năm Nhật trị.

Dù vậy, lại có một cái mâu thuẫn nhẹ, có lần tôi trò chuyện với ông chủ một xưởng gia công cho hàng của công ty tôi. Ổng nói nhân công nước ngoài bây giờ chủ yếu là người Thái và người Việt, người Thái thì rất giống người Đài ở chỗ, ngoan, nghe lời, làm việc chăm chỉ lắm còn người Việt lười, làm việc chậm (trong lòng tôi nghĩ chắc người Thái dễ bị bóc lột nên được khen, nói chứ bọn chủ ở đâu cũng vậy, Tây hay Tàu gì thì cũng tạo ra thặng dư từ việc tạo ra giá trị sản phẩm và bóp chặt chi phí, mà bóp chặt chí phí từ đâu ra? đều là từ bóc lột, cắt xén của nhân công mà ra thôi) cho nên càng ngoan thì càng dễ hốt. Thế rồi tôi cũng mặt dày bật lại: “Vậy sao ông không thuê người Thái đi (xưởng của ông đa số toàn Việt) để dễ quản lý? Hỏi ra anh chủ mới nói người Việt mình học việc nhanh, nói 1 hiểu 2, có tư duy khi làm việc nhưng có điều khó bảo quá. Cuộc đời là thế đó các anh chủ à, tôi nói thẳng việc các anh đến Việt Nam đầu tư kiếm cũng không ít tiền vì nước tôi nghèo, không có nhà máy, không có đơn hàng nên cho thuê đất rẻ, thuê nhân công rẻ thì mấy anh muốn hiệu suất bao nhiêu? Trong khi ở Đài, những xưởng nhựa mà tôi làm việc dưới cái nóng khủng khiếp, ông chủ chấp nhận trả 3,5 – 4 vạn một tháng (ở vùng quê thôi nhé) để coi máy sản xuất nhựa tấm mà tháng trước đến tháng sau đến tôi hỏi tìm được người chưa, thì vẫn chưa tìm được người Đài nào chịu làm và sau nửa năm thì cái công ty ấy có thêm rất nhiều anh người Việt trong đó.

Người Đài bây giờ kén chọn trong công việc lắm các bạn, từ dân lao động chân tay đến trí thức, họ chỉ muốn làm những công việc sang chảnh, có địa vị thôi. Cái này không nói phét nhé, anh bạn nhị gia tôi quen đang sống và điều hành một công ty sản xuất nội thất ở Việt Nam từng chia sẻ điều tương tự. Ban đầu anh bạn tôi muốn cấp quản lý là người Đài nên chấp nhận thuê một anh người Đài sang Việt Nam, các bạn biết đấy, chi phí này không thấp đâu (bao ăn, bao ở, bao vé máy bay mỗi ba tháng, bao cả gái cho luôn) nhưng cuối cũng chỉ sau vài tháng thử việc anh nay đòi nghỉ việc, chê công việc vất vả đủ các kiểu trong khi anh bạn tôi bảo nó mới làm có 1/3 công việc mà một bạn Việt Nam cấp thấp hơn đang làm thôi. Thế là xách vali về nước Đài thân yêu thôi!

Kén cá chọn canh là vậy, nhưng ngược lại họ lại đi khắp nơi phàn nàn rằng người nước ngoài nhập cư đến Đài Loan cướp công việc, cướp miếng ăn của họ. Câu chuyện này cũng giống như người Mỹ cứ nhảy cẫng lên bảo rằng người Mexico vào Mỹ cướp công việc của họ, trong khi bạn sẽ không thể tìm được một người Mỹ da trắng nào chịu đào lô cốt cả. Thế đấy, đời đầy rẫy những thứ trái ngang, đặc biệt là khi chúng ta là những người nhập cư, vấn đế nhập cư luôn là khía cạnh nhạy cảm trong quá trình quốc tế hoá đất nước. Họ có lí do để hạn chế dòng người nhập cư, chúng ta có lí do và giá trị để ở lại, hoà nhập là một món quà để mỗi người trong chúng ta phải hoàn thiện mình. Như tôi thường hay chia sẻ với các bạn trong nhóm: Tôi biết nước mình đi chậm hơn họ 20-30 năm, vì vậy khi ra đi là tôi đã xác định mình phải vượt qua con đường chông gai này và phải nâng cấp bản thân mình nhanh nhất trong tác phong công nghiệp hoá cũng như ý thức, quan trọng hơn hết là học tập cách tận hưởng cuộc sống độc lập cho dù nó có cô đơn đi chăng nữa. Cô đơn là một phần của lối sống tư bản, cô đơn cũng là một phần thưởng để trưởng thành.
CÒN NHIỀU LẮM, ĐƯỢC RẢNH SẼ KỂ TIẾP!!!

| NGHÌN LẺ MỘT THỨ VỀ ĐỜI SỐNG & VĂN HOÁ ĐÀI LOAN TỪ GÓC NHÌN CỦA SOLISE |

PHẦN 1 | shorturl.at/kqNQU |

PHẦN 2 | shorturl.at/muFMX |

Để hiểu sâu sắc hơn về những góc khuất và cảm xúc khi sinh sống tại Đài Loan, các bạn có thể tham gia nhóm Đài Loan & Những Chia Sẻ Về Cuộc Sống (Link: http://bit.ly/33PPBfZ) để giao lưu với các thành viên đã “nằm vùng” khá lâu ở Đài.

Nhắc nhẹ: Đêm hôm viết què cả tay, rảnh tay share từ thiện dùm nha thiên hạ.

Bình luận về bài viết này