“台灣老戲院影故事“
Hôm trước tôi đi coi Avengers: End Game, coi không phải vì mê siêu anh hùng gì đâu, chỉ là mình rất thích anh đóng vai Iron Man, đi vì cổ vũ cho ảnh thôi. Mặc dù tôi biết loạt phim siêu anh hùng của Marvel bắt đầu từ Iron Man và cũng kết thúc bằng Iron Man, đi xem ảnh chết như thế nào. Ngồi không biết là bao lâu mới tới đoạn “ I am Iron Man” rồi ảnh tan thanh mây khói…Tôi thích Robert Downey, thích anh ấy 3000 times, nên dù dài nhưng vẫn lết đi xem.

Chuyện đi xem phim không có gì để nói vì Endgame ai cũng coi rồi mà cũng không có gì để rì viu cả. Số là tôi không thoát được kiếp gái quê, ngày xưa từ quê lên Sài Gòn vật lộn gần 10 năm, sau đó tôi sợ đời sống đô thị, qua Đài tôi chọn trường ở nơi rất quê, tốt nghiệp xong cũng lập nghiệp ở đó luôn. Nói chung tính tôi quê mùa lắm, tôi nói trước để thằng em trên Fanpage khỏi mất công phải bốc phốt bà chế quê mùa.


Gần trường tôi học chỉ có một cái rạp chiếu phim cũ, 4 năm trước tôi có đi coi phim ma một lần, nhưng nó cũ như kiểu mấy chỗ ngày xưa ông cha mình đi xem kịch hay kinh kịch vậy đó. Bước vào có phần u ám, sau đó bận bịu việc học tôi cũng không đi qua nữa. Bữa này Endgame rần rần nên tôi quay lại cái rạp cũ đó xem. Nhìn từ bên ngoài thì vẫn không có gì khác biệt, nhưng giờ bên trong sửa lại mới toanh, không còn cái quầy mua vé kiểu cải lương đó nữa, thay vào đó là máy móc hiện đại, nhân viên mặc đồng phục, đèn sân khấu chớp nháy đàng hoàng. Vậy mà, tự nhiên tôi thấy tiếc tiếc, tiếc cái giáng vẻ cũ kỹ của nó. Mặc dù, rạp vẫn nhỏ, vẫn được đặt trong khu chợ, bên dưới cũng kiểu bán hàng quán lề đường và các tiệm tạp hoá nhỏ, nhưng bên trong thì bị hiện đại hoá mất rồi. Tôi đoán rạp đã đổi chủ, thời buổi này ai mà còn thích xem phim kiểu “ kinh kịch” .





Tính tôi hoài cổ, tôi hỏi bạn mình về quá trình hình thành và phát triển của các rạp phim ở Đài Loan như thế nào. Như ở Việt Nam mình, lúc tôi biết đến xem phim rạp thì đa phần đều là các rạp phim lớn, rạp phim có hệ thống liên hợp cả rồi. Tôi không bao giờ bắt gặp các rạp phim kiểu cũ này. Nhìn chung, các rạp phim này ở Đài Loan đã xuất hiện cũng hơn 100 năm rồi, nhưng thời kì hoàng kim của nó rơi vào tầm trước năm 1985. Bộ phim tài liệu trắng đen được chiếu rạp phim đầu tiên ở Beimen-Taipei vào năm 1900, lúc đó người ta gọi các rạp phim với cái tên Thập Tự Quán.



Đại thời đại là một con dao hai lưỡi, các rạp phim cũ này từng làm mưa làm gió trong những năm tháng mà DVC, VCD, băng đĩa chưa ra đời. Nhưng cũng chết tươi không kịp ngáp khi thời đại công nghệ chuyển sang một trang mới. Vào những năm 1970, tổng cộng Đài Loan có hơn 800 rạp chiếu phim cũ kiểu này, đa số là các rạp phim độc lập, hoặc các rạp được truyền lại từ thời Nhật dưới sự quản lý của nhà nước…Tại thời điểm đó, những thôn quê xa xôi ít nhất cũng có từ 1 đến 2 cái, thị trấn thì ít nhất 3 cái, riêng Đài Bắc thì không cần bàn, mỗi khu Ximending thôi đã có hơn 30 rạp chiếu. Nhìn con số cụ thể mới thấy được độ thịnh vượng của các rạp phim cũ. Đối với người Đài sinh trước 8x, 9x thì các rạp phim cũ này là một phần kí ức rất sâu sắc, kiểu như “ 陪著我成長的回憶”, nó được gọi là hương vị của quê nhà, hương vị của tuổi thơ. Những năm 1980, khi công nghệ băng đĩa ra đời, sau đó là các ông lớn, tập toàn tập đồ đổ tiền vào ngành nghề công nghiệp này, các rạp phim đại chúng hiện đại với màn hình rộng phiêu linh, âm thanh hình ảnh đẳng cấp, hơn nữa lại toàn toạ lạc trong các trung tâm thương mại sang chảnh, thì các rạp phim cũ dần dần biến mất. Từ con số hơn 800 rạp, hiện tại chỉ còn khoảng 100 rạp rải rác trên toàn quốc, một số được cải tạo cơ sở hạ tầng và cập nhật để chiếu các phim mới như cái rạp tôi đi, một số khác đã trở thành điểm tham quan cho du khách.

Nói chung, tôi thích nơi mình sống vì nó còn quê, một ngày nào đó nếu nó phát triển hơn, tôi nghĩ rạp phim này cũng sẽ ngỏm cụ tỏi. Tôi nghe đồn người ta sẽ xây dựng trung tâm thương mại gần đâu đây. Dù thế nào con người cũng phải sống tiến về phía trước, tôi biết đó là quy luật nhưng dù sao vẫn có một số ít người như tôi vậy. Rạp to, rạp nhỏ không sao, quan trọng là cảm giác. Tôi thấy thân thiết với nơi này và khi nghĩ đến một ngày nó chết vì thời đại, quả thật có chút đau lòng.

#台灣老戲院#員林電影城#台灣生活文化#RạpphimcũĐàiLoan#VănhoáđờisốngĐàiLoan#dulịchĐàiLoan#Taiwanlifestyle#TaiwanCulture#Taiwancountryside#LiveinTaiwan