Với các đọc giả đã từng sinh sống và làm việc tại Chương Hoá, Đài Loan thì có lẽ cụm từ “ 送肉粽” không quá xa lạ. Nghi lễ được nhấn mạnh “ 生人勿近 – người sống không gần” , được lưu truyền từ Phúc Kiến đến đài Loan.
Đưa Tiễn Bánh Chưng Thịt (送肉粽) còn được gọi là 送煞 -“Tiễn Sát” là một nghi lễ dân gian truyền thống để trừ tà, cũng là một trong những phong tục tang lễ của Đài Loan. Ông bà xưa tin rằng người dùng cách treo cổ để tự sát là mang oán khí nặng nhất, chỉ cần ai đó treo cổ chết, họ sẽ liên tục tìm kiếm người thay thế để siêu thoát. Vì vậy dựa theo pháp lễ, sợi dây tượng trưng cho oan hồn của hồn ma bị treo cổ và những thứ mà sợi dây này chạm qua sẽ được dùng máu vịt quét lên và đưa ra bờ biển, hoặc cửa sông gần nhất để đốt nhằm xua đuổi tà ma.

Như cách hành lễ ở Chương Hoá, hiệp hội đền thờ địa phương sẽ cùng nhau thực hiện pháp sự, bắt đầu từ ngôi đền lân cận nơi xác chết được tìm thấy, một tuyến đường sẽ được vẽ ra để đưa những oan hồn này ra biển. Hiện nay nghi lễ này được thực hiện chủ yếu ở 鹿港 – Lugang, mỗi nơi có cách làm khác nhau nhưng cũng sẽ có những điểm tương đồng. Một số làng và thị trấn ở Chương Hoá sẽ thích nghi với tình hình hiện tại của nơi tổ chức nghi lễ để quyết định “đưa tiễn bánh chưng thịt” đến bờ biển, con sông hay mương thoát nước gần nhất để đốt.
Trước đây tục lễ này chủ yếu chỉ được thực hiện ở Chương Hoá, nhưng ngày này do sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, tục lễ này đã được mở rộng tới nhiều thị trấn và thành phố chưa từng có tiền lệ như Viên Lâm, Tân Bắc.
Ban đầu người dân Lugang vì tôn trọng người đã chết nên không gọi họ là “Ma treo cổ”, họ nghĩ đến những chiếc bánh chưng trong ngày tết đoan ngọ được buộc bằng các sợi dây để thay thế. Vì hình ảnh tượng trưng này mà nghi lễ từ đó được đổi tên thành “送肉粽 – Đưa tiễn bánh chưng thịt”, và được dùng cho đến ngày nay.

Cũng có người nói rằng “ Bánh chưng thịt” ở đây ám chỉ “sát khí’ đó là những oán hận của người đã khuất chứ không phải linh hồn của họ, những đau đớn trong quá trình tìm đến cái chết. Do vậy, lúc sắp chết những oán hận và đau đớn này sẽ được hoà quyện vào nhau tạo nên “sát khí”, cần phải đưa tiễn những “sát khí” này đi để không ảnh hưởng đến sự bình yên của cư dân sinh sống trong vùng.
Ở khu vực Chương Hoá, trước khi nghi lễ bắt đầu, các ngôi đền chùa sẽ thông báo cho cư dân địa phương biết lộ trình và thời gian, thường sẽ được tổ chức vào 21 giờ đến 23 giờ trong ngày. Vào khoảng 20 giờ tối ngày diễn ra nghi lễ, những người tham gia nghi lễ sẽ dựng rào chắn với những dòng chữ như「前有法事,敬請改道」「 phía trước có pháp sự, xin đổi hưởng」 ở ngã tư gần nơi nghi lễ bắt đầu, để tiện cho việc làm lễ được suôn sẻ.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh khu vực đó, họ sẽ dán một mảnh giâý nhỏ có hình dáng như lá bùa bên ngoài nhà để người dân xung quanh có thể biết và chuẩn bị đóng chặt tất cả các loại cửa và không đi ra ngoài vào khoảng thời gian pháp lễ diễn ra. Trong quá trình pháp lễ diễn ra trên suốt đoạn đường đưa tiễn nếu chẳng may bạn gặp phải thì điều duy nhất bạn có thể làm là đi theo dòng người, vì họ giải thích rằng điều đó có nghĩa bạn và vong hồn ấy có duyên, bạn nên đưa tiễn họ đoạn đường cuối cùng, theo tương truyền nếu không làm theo thì oan hồn đó sẽ theo bạn, và trong quá trình tiễn đưa không gọi tên bất cứ ai dù bạn có đang đi chung với người quen, tên người được gọi sẽ được chọn làm người thay thế. Sau khi pháp sự hoàn thành, hoả thiêu tất cả vật phẩm bên bờ biển, họ sẽ làm một lễ tẩy trần cho tất cả người đã đưa tiễn để bạn có thể an toàn rời đi. Thông thường sau nghi lễ mọi người sẽ ghé vào ngôi chùa nào đó để cầu bình an trước khi ra về.


Nhắc đến nghi lễ này thì không thể không kể đến loạt sự kiện xảy ra tại 和美 vào tầm tháng 8 năm 2009, cũng là tháng 7 âm lịch năm đó. Ở khu vực trung tâm của thị trấn đã dựng lên một bức tượng nữ với hình tượng những sợi chỉ dài thay cho cánh tay nhằm mục đích quảng bá ngành công nghiệp dệt may của thị trấn. Nhưng người dân trong vùng đối với bức tưởng naỳ vô cùng phản cảm vì cho rằng nó làm ảnh hưởng đến phong thuỷ của trấn.

Trùng hợp ít ngày sau, vào ngày 7 tháng 9, một cụ ông đã tử tử tại nhà riêng vì cháu gái bất hiếu và bệnh tật kéo dài. Nghi lễ tiễn đưa cũng đã được thực hiện nhưng không rõ do pháp sư pháp lực không đủ mạnh hay do oan khí của cụ ông quá nặng, chỉ ít ngày sau một cô gái 19 tuổi cũng đã tử tự theo cách này. Tiếp theo đó lần lượt là 2 cái chết tương tự của một lao động nước ngoài và một phụ nữ trung niên ở 德美公園, điều trùng hợp là công viên nằm ngay sau hướng cánh tay của bức tượng, sau đó vào ngày 13 tháng 10 là một thai phụ cũng đã chọn cách này để kết liễu đời mình, chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tháng 5 vụ án mạng đã xảy ra cùng một cách thức. Do đó, mà người dân trong vùng đã yêu cầu phá bỏ bức tượng, đồng thời làm một nghi lễ cầu bình an.
Một câu chuyện khác xảy ra vào năm 2018, một đạo diễn và các nhân viên trong đoàn của ông ấy đã làm một đoạn phim tài liệu về nghi lễ này nhằm giúp những giá trị văn hoá của Đài Loan được mọi người biết đến nhiều hơn. Nó xuất sắc hơn cả những bộ phim ma tôi xem thời gian gần đây. Họ là những người tham gia và quay lại toàn bộ quá trình làm lễ, một anh quay phim sau khi chứng kiến quá trình thiêu đốt đã gửi thấy một mùi hôi của xác thối mà không ai có thể lý giải nó từ đâu ra, anh cũng cảm thấy cơ thể vô cùng khó chịu ngay sau đó. Điều đáng sợ hơn là sau khi nghi lễ kết thúc, đoàn phim trở về khách sạn nghỉ ngơi, họ bắt thẳng thang máy từ tầng trệt đến tầng 11, nhưng khi đến tầng 10 thì cánh cửa đột ngột mở ra, cảnh tưởng hiện ra trước mắt mọi người là một tầng lầu bỏ hoang, nhìn vào là biết đã rất nhiều năm không người sử dụng. Một nhân viên khách sạn đi cùng đoàn không rõ đã trông thấy gì mà hét lên ngày sau đó… trong quá trình làm lễ vẫn còn rất nhiều chuyện đã xảy ra, các bạn tò mò thì có thể lên mạng tìm kiếm cụm từ “送肉粽“ là sẽ có rất nhiều tư liệu để tìm hiểu sâu hơn.
Tôi nhớ lần đầu tiên biết đến nghi lễ này là vào năm nhất đại học, khi tôi đang làm thêm ở một nhà hàng. Đêm đó, tôi nghe mọi người bàn tán, không biết tí nữa tan làm có gặp phải không chứ mà theo ra đến bờ biển 鹿港 – Lugang chắc mai khỏi đi học mất. Sau một hồi bàn tán thì trưởng nhóm cho tôi và một bé nữa tan ca sớm, vì trên tuyến đường chúng tôi về nhà có thể sẽ gặp phải quá trình các pháp sư hành lễ đưa tiễn. Hay chỉ như đêm qua thôi thì trên tuyến đường chính gần nhà tôi cũng đã có một pháp lễ được thực hiện, thế nên cả khu phố đều trở nên im ắng từ sau 8h tối.
Có thể một số bạn sẽ cho đây là mê tín, nhưng từ nhỏ đến lớn tôi trưởng thành trong văn hoá người Hoa, tôi chỉ có thể nói có những thứ không tin không được, “có kiêng có lành” nên biết để tránh cũng tốt hơn là không biết gì rồi đem đến điềm không may cho bản thân.
Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết của Solise Tales, dù nhà Solise vì một số vấn đề cá nhân cũng đã nghỉ xả hơi một thời gian dài, hi vọng bài viet này giúp các bạn có thêm một ít kiến thức văn hoá dân gian đặc sắc của Đài Loan. Từ ngày hai chị em tôi bắt đầu viết blog, chúng tôi vẫn luôn tin rằng, dù có hay không sống lâu dài ở Đài thì hiểu sâu sắc về nơi mình từng sinh sống đều là những kí ức và trải nghiệm vô giá cho cuộc đời của mình.
Love from Solise,
2021/04/21
Huhu, gọi là tên nói tránh nhưng mà nghe 送肉粽 xong tưởng tượng ra thì có khi còn sợ hơn ấy
ThíchĐã thích bởi 1 người
Uhm tìm hiểu xg chị thấy tên nào cũng ghê ghê 😭
ThíchĐã thích bởi 1 người
Tục này giống cắt trùng tang tiễn thần vong ra sông ra biển của VN
ThíchĐã thích bởi 1 người