Du Lịch 彰化 Changhua Đài Loan Taiwan Đời Sống

TAM HỢP VIỆN- TỨ HỢP VIỆN, NÉT VĂN HOÁ KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI ĐÀI LOAN

Tam Hợp Viện/Tứ Hợp Viện (三/四合院), là kiến trúc cổ của người Hoa xuất xứ với bề dày lịch sử hơn 2000 năm, bắt nguồn từ Trung Quốc cổ đại rồi theo người Minnan (閩南人) đến Đài Loan. Nếu bạn sống ở Đài Loan đủ sâu, đi đủ nhiều và đã từng đến thăm các vùng quê thì chắc chắn bạn đã từng nhìn thấy kiểu kiến trúc cổ điển này, tuy không ấn tượng mạnh, không hào hoa như các phố cổ chuyên làm du lịch nhưng nó sống động và hiện thực. Hiện tại, ở các vùng xa thành thị, Tam Hợp Viện (là một bản thể của Tứ Hợp Viên) vẫn còn tồn tại rải rác ở khắp nơi, một số thì vẫn còn các ông bà tầm tuổi cha mẹ, ông bà mình sống, một số thì để hoang tàn đổ nát, một số thì vẫn được chăm sóc nhưng không có người sinh sống, mục đích chủ yếu chỉ để thờ cúng và hội họp gia đình.

Sự khác nhau giữa Tam Hợp Viện và Tứ Hợp Viện tôi sẽ phân tích ở một bài viết khác, nhưng về cơ bản là như nhau chỉ khác ở chỗ Tứ Hợp Viện là bản thể sang trọng giành cho các quý tộc thời xưa, còn Tam Hợp Viện là bản thể nhà giành cho thường dân. Cấu trúc chủ yếu của Tam Hợp Viện gồm 3 phần kết thành U-Shape, phần giữa gọi là Chính Thân (正身), nơi để đặt bàn thờ và cũng là phần quan trọng nhất. Hai bên hông gọi là Hộ Long (護龍) dùng làm phòng hoặc các phần khác của căn nhà. Logic của Tứ Hợp Viện cũng vậy nhưng có thêm bức tường và cửa chính ở đối diện phần Chính Thân. Nhìn chung, Tứ Hợp Viên kín cổng cao tường, tạo thành đúng một hình chữ nhật, tuỳ theo mức độ giàu có của từng gia đình mà cấu trúc bên trong của Tứ Hợp Viện có thể xuất hiện ở dạng rất nhiều tầng lớp, vườn tược, hồ nước và thâm chí là khu sân khấu để xem kinh kịch. Đặc điểm của Tam/Tứ Hợp Viện là những kiến trúc thấp bằng mái ngói, tường và sàn đều được xây và lót bằng gạch đỏ.

Có một số Tam/Tứ Hợp Viện được xây dựng sau này, có phần hiện đại và cách tân như kiểu xây tam hợp viên ở dạng hai lầu hoặc sơn gạch màu hồng…Tuy nhiên, những trường hợp như thế không nhiều. Tam Hợp Viên nguyên bản chỉ có một dãy U-Shape, nhưng đối với một số gia tộc nhiều đời thì sẽ được mở rộng thành nhiều lớp. Lớp đầu cấu trúc vẫn là Chính Thân và Hộ Long, từ lớp thứ 2 trở đi là các phòng ở, nhà bếp, nhà kho các kiểu cho con cháu các đời…Tam Hợp Viện nhiều lớp nhất mà tôi từng biết thậm chí lên đến 3, 4 lớp U-Shape, tôi nghĩ không biết có bao nhiêu thế hệ con cháu cùng sống trong đó. Điều này giải thích các vùng quê ở Đài Loan mỗi khu thường có một họ lớn, họ lớn này thường có địa vị nhất định và sức ảnh hưởng đến khu vực. Như khu tôi từng sống trước đây thì người họ Liễu rất nhiều, đây là dòng họ lâu đời và chiếm dân số khá đông. Điều này thỉnh thoảng đem lại một ảnh hưởng tiêu cực là họ sẽ kì thị người ngoại tộc hoặc người nước ngoài khi sinh sống cùng. Ở các thành phố lớn thì sự quốc tế hoá khá tốt nhưng thật nhìn chung thành phố lớn thì cũng chỉ có vài cái thôi.

Theo cách đánh giá chủ quan của tôi thì quốc tế quan của Đài Loan không cao vì ở những vùng quê, họ vẫn giữ lối cũ và vẫn giữ suy nghĩ không muốn tiếp nhận người nước ngoài, nhất là đối với người từ các nước kém phát triển hơn. Vài năm gần đây vấn đề này có cải thiện hơn sau khi chính sách Hướng Nam của chính phủ Thái Văn Anh ra đời, tuy nhiên sự hiểu biết về người nhập cư mới từ Việt Nam của những người Đài sống ở các vùng quê vẫn còn khá hạn hẹp, có chăng cũng chỉ là biết Việt Nam thông qua vài lời kể hoặc vài tiết mục sơ xài trên truyền hình. Còn lại thì mọi người vẫn nhìn và đánh giá người Việt ở cột mốc của những cuộc hôn phối mang tính mua bán của hơn 20 năm trước.Tôi là một du học sinh sống ở vùng rất quê, việc hàng ngày tôi đi xe, đi mua thức ăn, đi làm…gặp phải những câu hỏi như : Bạn đến từ đâu? Bạn lấy chồng qua đây hả? Người Việt mà cũng có người qua đây học ư? … là những câu hỏi mà tôi đối mặt đến quá quen, bạn đầu tôi cũng vui vẻ trả lời như một cử chỉ thân thiện nhưng dần dà tôi ngán ngẩm khi hiểu được những hàm ý phía sau nó. Vì những cuộc trò chuyện như thế luôn đi theo một mô típ nhất định. Tôi nói như thế này cho dễ hiểu: Ở một đất nước có sự quốc tế hoá ở mức nhất định, như tôi được biết, các câu hỏi như “bạn là người nước nào? bạn đến từ đâu?” là một câu hỏi rất thô lỗ. Nó là dấu hiệu của việc bạn muốn làm rõ và phân chia ranh giới và sau đó là đánh giá đưa ra cách hành xử với đối phương.

Vì vậy, một trong những cử chỉ lịch thiệp khi gặp một người nói tiếng Anh nhưng gốc Á hay Phi ở Mỹ, người ta sẽ tránh hỏi những câu hỏi mang tính tìm hiểu nguồn gốc, đó là phép lịch sự để tôn trọng đối phương và cả tôn trọng chính mình trong lần gặp đầu tiên. Nhưng ở đây, mọi người hỏi điều đó như một sự mặc định bởi vì họ không hiểu điều này hoặc hiểu nhưng cảm thấy không quan trọng. Có những câu chuyện như thế bắt đầu từ sự hiếu khách, hoặc có ác ý nhưng chung quy quy trình sản sinh ngụ ý đều giống như nhau. Vì một khi bạn đã xác định được nguồn gốc của đối phương thì não sẽ sản sinh ra cơ chế phản ứng tự động phù hợp với sự nhận thức đã tích lũy được trong quá trình sinh trưởng, tôi gọi đó là những quy phạm xã hội (social norms), mà cách nhìn nhận về người Việt của người Đài như tôi nói ở trên vẫn dừng lại ở cột mốc của 20, 30 năm trước và vẫn luôn được truyền tai như một cách giáo dục ý thức cho những thế hệ sau.Đó là một phần lí do các cô dâu Việt Nam qua đây hơn 20 năm trước sống khá vất vả trong việc hoà nhập với người bản địa và đến cuối cùng cũng vẫn bị tách khỏi xã hội một cách vô thức.

Đối với tôi sự hiểu biết về văn hoá bản địa luôn là một cái đòn bẩy để hoà nhập. Như tôi, tôi chọn sống xa, chọn sống khác thì tôi phải chấp nhận sự khác biệt bao gồm cả kì thị trong đó. Cũng giống như Đài Loan, họ muốn quốc tế hoá tốt như các chính phủ những năm gần đây vẫn luôn hô hào thì cũng phải có một mức độ chấp nhận văn hoá của người nhập cư ở một mức độ hợp lý. Sự hiểu biết hoàn cảnh và văn hoá lẫn nhau là một chất xúc tác để giảm thiểu những mâu thuẫn xã hội do vấn đề nhập cư tạo nên. Do vậy, bản thân tôi thấy giáo dục tư tưởng là một việc quan trọng đối với cả hai phía. Thế nhưng ở một đất nước luôn xem trọng phát triển kinh tế như Đài Loan, tôi nghĩ điều này vẫn còn chưa trong tầm với.

Văn hoá truyền thống tất nhiên là một yếu tố nhất định phải được bảo tồn của một đất nước, Đài Loan đang làm tốt điều này, ít nhất là với những gì tôi nhìn thấy được sau 5 năm sống ở đây. Hằng ngày đi làm ngang qua những ngôi nhà ngói Tam Hợp tôi vẫn thấy rất đẹp nhưng nghĩ lại những ngày còn là sinh viên, còn sống trong những bức tường gạch cũ tầng tầng lớp lớp đó, tôi có chút sợ hãi. Sợ những ranh giới và mặc định mà người ta dành cho mình. Đối với tôi Tam Hợp Viện chỉ để yêu, không để cưới. Cho tôi ngắm nhìn là đủ.Nếu bạn muốn xem những Tứ Hợp Viện hoàn chỉnh thì có nhiều điểm để tham quan, dưới thời Nhật thì Đài Loan có 5 gia tộc giàu có nhất là 基隆顏家, 板橋林家, 霧峰林家, 鹿港辜家 và 高雄陳家. Đây đều là những di sản kiến trúc được nhà nước bảo tồn bằng rất nhiều công và của. Trong đó có 霧峰林家 từng bị trận động đất 921 phá huỷ hơn 80%, chính phủ vẫn cho phục hồi toàn bộ tổ hợp này trong 20 năm qua. Vì lí do này mà tôi đến thăm nơi đây, nó ấn tượng không chỉ vì sự hào hoa của một Tứ Hợp Viện mà còn vì những hao mòn mang theo bóng dáng của lịch sử, của thời đại.

Còn nếu bạn muốn xem tân mắt Tam Hợp Viện và cuộc sống sặc mùi miền quê của đất nước này thì tôi nghĩ bạn cứ lang thang ở các vùng quê miền Trung và miền Nam Đài Loan thì tha hồ ngắm và cảm. Vẫn còn đó lối sống rất truyền thống và yên bình ở hòn đảo này. Trong bài này tôi giới thiệu đến các bạn một Tam Hợp Viện được xem là hoàn chỉnh và được nhà nước ra sức bảo tồn trong vài năm gần đây.Dưới đây là hình ảnh Tam Hợp Viện của Lưu Gia ở phía Nam Chương Hoá, Tam Hợp Viện này nằm ở Shetou, đây là một trong những Tam Hợp Viện hoàn chỉnh nhất và cũng là lớn nhất Đài Loan tính đến thời điểm này. Tổ tiên Lưu gia đến Đài Loan dưới thời Khang Hy, đời đầu tiên đến Chiayi sau đó chuyển đến Shetou và sinh sống đến bây giờ. Tam Hợp Viện này ấn tượng với 13 dãy Hộ Long (護龍), phía bắc 7 hàng, phía Nam 6 hàng. Hiện tại Tam Hợp Viện này vẫn có người sinh sống hằng ngày, khác với các Tứ Hợp Viện đa phần đã được trùng tu và đưa vào bảo tồn nghiêm ngặt. Một số học giả người Đài hay nghiên cứu về Tam/ Tứ Hợp Viện có câu nói là: Đến Chương Hoá thì có thể nhìn thấy Tam Hợp Viện như cơm bữa. Thành Phố này vẫn còn rất Đài, từ lối sống, kiến trúc, văn hoá, thậm chí cả các ngành nghề kinh tế truyền thống của đất nước này.

P/S: Để theo dõi/tìm kiếm tất cả các bài viết của Solise Tales, các bạn có thể tìm trên mục Notes hoặc bấm vào website: solisetales.com để dễ dàng thao tác.#VănHoáĐàiLoan#KiếnTrúcCổĐàiLoan#DuLịchĐàiLoan#TamHợpViện#TứHợpViện#DuLịchChươngHoá#MiềnQuêĐàiLoan #solisetales.com#soliseblog#solisetales

2 Bình luận

Bình luận về bài viết này